GDP tăng trưởng cao, nhiều lĩnh vực ghi dấu ấn nổi bật

(BKTO) - Khép lại năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra (từ 6,6 - 6,8%). Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.



Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011 Ảnh: TTXVN

Duy trì GDP tăng cao khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại. Sự biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường, “kết quả tăng trưởng 7,02% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%. Động lực chính của tăng trưởng GDP tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, theo số liệu thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%.

Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%. Chất lượng tăng trưởng năm 2019 có đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), đạt 46,11%, trong khi bình quân giai đoạn 2016-2019 là 44,46% và cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) ước đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,14 - thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Ghi dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực

Bình luận về kết quả phát triển kinh tế năm 2019, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã nhấn mạnh một số dấu ấn nổi bật.

Cụ thể,, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng cao, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng khá.

Khu vực công nghiệp và xây dựng đều duy trì tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt. Sản xuất và phân phối điện tăng 9,14%, bảo đảm cung cấp đủ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,29% sau 3 năm liên tiếp giảm.

Cùng với đó, số DN thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động. Trong đó, số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục 138.100 DN với tổng vốn đăng ký là 1,7 triệu tỷ đồng, đạt bình quân 12,5 tỷ đồng/DN - mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Nếu tính cả 2,27 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của 40.100 DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế năm 2019 là trên 4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 39.400 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 177.500 DN.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhiều hoạt động diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,9 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước. Hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định. Tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1%. Thu NSNN (tính đến ngày 15/12/2019) đã đạt dự toán năm, trong đó, nhiều khoản thu đạt trên 90% và vượt dự toán. Đồng thời, chi NSNN ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững, bảo đảm khả năng chi trả bồi thường và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào huy động vốn phát triển kinh tế.

Dấu ấn nổi bật nữa là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 10,2% và bằng 33,9% GDP, trong đó, vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 942.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (46% tổng vốn đầu tư) và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất (17,3%) so với năm trước, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Vốn khu vực nhà nước đạt 634.900 tỷ đồng, chiếm 31% và tăng 2,6%. Khu vực FDI đạt 469.400 tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 7,9%.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và là mức thấp nhất trong 3 năm qua. Đây cũng là dấu ấn nổi bật của nền kinh tế đất nước trong năm vừa qua.
         
Tổng thu NSNN năm 2019 ước đạt 1,41 triệu tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, trong đó, thu nội địa 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 97,7%; thu từ dầu thô 53.300 tỷ đồng, bằng 119,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 210.200 tỷ đồng, bằng 111,1%.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
GDP tăng trưởng cao, nhiều lĩnh vực ghi dấu ấn nổi bật