Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: N.Ly |
Sáng 03/01, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020”. Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến mặt bằng giá cả, thị trường Việt Nam trong năm 2019 và đưa ra dự báo cho năm 2020.
CPI tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua
Theo ông Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, GDP năm 2019 tăng 7,02% so với năm 2018, mức tăng trưởng này tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%. Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua (2017-2019). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018.
Trước kết quả khả quan của chỉ số giá trong năm 2019, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Năm 2019 được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam, bình quân năm 2019 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm.
Ông Ngô Trí Long nhận định: Trong 3 năm liền, Việt Nam đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Nền kinh tế đã thành công đạt “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Còn theo ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kết quả kiểm soát chỉ số giá năm 2019 có ý nghĩa lớn xét trong bối cảnh nhiều áp lực lên lạm phát như: chi tiêu tiêu dùng khá cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 11,86%; giá điện, giá dịch vụ y tế, giá học phí và đặc biệt là giá thịt lợn tăng mạnh. Tuy nhiên, đáng lo ngại là CPI lũy kế so với tháng 12/2019 cao nhất từ năm 2014, cùng với đó, lạm phát cơ bản bình quân cũng cao nhất từ năm 2014 và đã vượt ngưỡng 2%.
Ông Lê Quốc Phương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, có thể nhập khẩu nếu cần để tránh tăng giá đột biến, đặc biệt là với mặt hàng thịt lợn… Về lâu dài, cần có các biện pháp hạn chế thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường; chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng (chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào - vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, trình độ công nghệ cao…
Triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn
Theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, sau cú sốc giá thịt lợn tăng mạnh hồi quý IV/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng giảm từ mức trên 5%, nhưng mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện từ tháng 01/2019, từ thời điểm đó đến tháng 6/2019, giá lợn hơi giảm xuống. Trước tình hình dịch lây lan và giá biến động theo chiều hướng không tốt, nhiều chủ trang trại đã không tái đàn. Vì vậy, Chính phủ và các ban, ngành đã dự báo sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, “tại sao đã nhìn ra vấn đề này từ trước mà các Bộ, ban ngành vẫn để giá thịt lợn tăng cao và tăng nhanh như vậy?”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Ông Ngô Trí Long đánh giá: Vấn đề nằm ở chính việc điều hành của các cơ quan chức năng. Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vì để giá thịt lợn tăng cao, nhưng Bộ này lại cho rằng do Bộ Công Thương điều hành tổ chức lưu thông chưa tốt dẫn đến tình trạng găm hàng. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT khi đưa ra dự báo không chính xác.
Đánh giá thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Giá lợn tăng là do hệ thống phân phối chưa được tốt. Do ảnh hưởng của bệnh dịch, số lượng lợn trong dân chết nhiều, số lợn khỏe mạnh còn lại tập trung ở các công ty lớn. Những công ty này nếu lên giá thì giá thị trường sẽ lên, nếu họ giảm giá thì thị trường cũng sẽ giảm. “Thịt lợn là mặt hàng được bình ổn nhưng lại bình ổn theo giá thị trường, như vậy gọi gì là bình ổn?”- ông Phú nhận định.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2020, dịch tả lợn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nên giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng những tháng đầu năm 2020. Đồng thời, giá các dịch vụ y tế, giáo dục, đất… dự kiến cũng sẽ tăng. Do đó, để hoàn thành mục tiêu bình quân lạm phát cả năm 2020 dưới 4% như Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động, nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020.
Với các yếu tố tác động tới CPI như dự báo trên, Cục Quản lý giá kiến nghị: Không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020 và thực hiện kiểm soát chặt chẽ, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát tốt giá cả thị trường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020.
THÙY LÊ