GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%/năm sau khi đánh giá lại

(BKTO)- Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.



                
   

Ảnh minh họa- nguồn: internet

   

Như vậy, với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD.

Quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: tích lũy tài sản; tiêu dùng cuối cùng; tổng thu nhập quốc gia (GNI); tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); tỷ lệ thu NSNN so với GDP; tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỷ lệ chi NSNN so với GDP; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP; tỷ lệ dư nợ công so với GDP; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Kết quả đánh giá lại quy mô GDP của nước ta được Tổng cục Thống kê cho là tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế- xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn. Phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu NSNN so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi NSNN so với GDP; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.

Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

ĐÔNG SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Việt Nam xuất siêu 3,4 tỷ USD trong tám tháng đầu năm
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 7. Theo đó, tính chung 8 tháng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
  • Chuyển đổi cơ cấu lao động và rào cản từ chất lượng nguồn nhân lực
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những năm qua, xu hướng việc làm trong nước đang chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động vẫn là rào cản của quá trình chuyển đổi, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào tiến trình hợp tác song phương, đa phương với nhiều cam kết tác động trực tiếp đến lĩnh vực lao động.
  • Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp  viễn thông - công nghệ thông tin
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo xu hướng của thế giới, các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông của Việt Nam được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, là nền tảng thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi thực tế cho thấy, sự thành công của các DN toàn cầu, cũng như nhiều DN lớn tại Việt Nam đều dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông minh để đem lại hiệu suất hoạt động tối ưu cho DN.
  • Người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà do nguồn cung nhà giá rẻ giảm mạnh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thống kê của Công ty Savills cho thấy, một vài năm trở lại đây, người mua nhà để sử dụng thực tại TP. HCM và Hà Nội chiếm đa số trong phân khúc hạng C. Sự gia tăng về nhu cầu nhà giá rẻ đã làm cho số lượng giao dịch hạng C tăng cao. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường nhà ở từ đầu năm 2019 đến nay lại sụt giảm mạnh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản mà còn khiến phần lớn người dân đô thị có thu nhập trung bình, người nhập cư ngày càng khó mua, khó thuê nhà.
  • Những trái cây Việt được xuất khẩu sang các thị trường khó tính
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, con số này là trên 4 tỷ USD.
GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%/năm sau khi đánh giá lại