Tổng doanh thu toàn ngành viễn thông - CNTT đạt gần 100 tỷ USD trong năm 2018. Ảnh: Bích Ngọc
Phát triển và ứng dụng CNTT -thị trường giàu tiềm năng
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành viễn thông - CNTT năm 2018 đạt 98,9 tỷ USD (năm 2017 đạt 91,5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 13,8% với doanh thu đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Về công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông, tổng doanh thu năm 2018 đã tăng lên tới 2 triệu tỷ đồng (khoảng 88 tỷ USD). Trong đó, công nghiệp viễn thông với vai trò là hạ tầng cho nền kinh tế số có tổng doanh thu 350.000 tỷ đồng/năm (khoảng 15 tỷ USD), tăng trưởng hằng năm đạt mức 6%.
Giới chuyên môn đánh giá, các sản phẩm tiêu biểu trong những cuộc thi sáng tạo quốc gia của Việt Nam ngày càng hướng tới cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại hơn. Doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ này cũng có tốc độ tăng trưởng khả quan trên thị trường Việt Nam. Đơn cử, theo thống kê, tổng doanh thu của Top 10 danh hiệu Sao Khuê 2018 đã đạt trên 2.600 tỷ đồng (hơn 111 triệu USD). Doanh thu của 94 sản phẩm Sao Khuê 2019 và dịch vụ được công nhận danh hiệu Sao Khuê 2019 đạt trên 9.298 tỷ đồng (hơn 399 triệu USD).
Các chuyên gia cũng nhận định, cơ hội cho các DN viễn thông - CNTT Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị dịch vụ trên nền Internet vạn vật (IOT) và điện toán đám mây tập trung ở 3 khía cạnh: kết nối, nền tảng hạ tầng, dịch vụ chuyên ngành, phần còn lại thuộc về các công ty phần cứng và sản xuất thiết bị đầu cuối. Phó Tổng Giám đốc EY Ấn Độ Abhishek khi tư vấn cho một tập đoàn viễn thông - CNTT Việt Nam đã đánh giá, các DN viễn thông - CNTT Việt Nam có nhiều cơ hội chia sẻ doanh thu khi tham gia chuỗi giá trị dịch vụ với tiềm năng được đánh giá lên tới 25% của lĩnh vực phần cứng; 20% của lĩnh vực thiết bị; 5% của lĩnh vực kết nối; 15% của lĩnh vực công nghệ nền tảng và 35% của lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành và ứng dụng.
Xây dựng mô hình chiến lượcđể nắm bắt cơ hội
Đại diện của EY Ấn Độ cho rằng, để hòa vào xu thế phát triển chung của các DN viễn thông - CNTT trên thế giới, các DN viễn thông - CNTT Việt Nam cần xác định cơ cấu doanh thu và dịch vụ, bù đắp các tiện ích số hóa cho những dịch vụ truyền thống song song với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng kỳ vọng khách hàng. Theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình chiến lược và lộ trình tiến lên hiện đại của các DN viễn thông - CNTT tiêu biểu thường là nắm bắt cơ hội mới trong các mảng kinh doanh liên quan; tăng cường sự trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ, thiết lập kế hoạch bán hàng và chăm sóc, thiết kế và ra mắt nhà mạng số hóa, thương hiệu phụ, chiến lược bán hàng trực tuyến, triển khai nền tảng phân tích khách hàng. Cùng với đó là tăng cường tiếp cận khách hàng mới qua internet, cung cấp chất lượng tốt hơn và dịch vụ nhanh hơn, phát triển nhận thức nội bộ, thu thập dữ liệu một cách an toàn và thực hiện quản lý rủi ro.
Đánh giá về các dịch vụ IOT tiềm năng trên thị trường Việt Nam năm 2018-2019, Phó Tổng Giám đốc EY Ấn Độ Abhishek cho rằng, các dịch vụ chính quyền/thành phố thông minh; sản xuất, logistics và vận tải là 3 dịch vụ có độ hấp dẫn ở mức rất cao và cao. Còn các dịch vụ IOT trong lĩnh vực y tế, tiêu dùng đóng gói và bán lẻ chỉ có độ hấp dẫn trung bình. Độ hấp dẫn của các dịch vụ IOT trong lĩnh vực nông nghiệp và truyền thông giải trí chỉ ở mức thấp.
Thực tế cho thấy, năm 2019, các tập đoàn lớn của Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT… đã tập trung phát triển các ứng dụng, dịch vụ trên nền IOT có kiến trúc mở do các tập đoàn tự phát triển làm chủ công nghệ, cung cấp giao diện lập trình ứng dụng và các bộ công cụ cho đối tác, DN, khách hàng kết nối truy nhập, truyền dữ liệu tích hợp ứng dụng… chiếm lĩnh 55% chia sẻ doanh thu chuỗi giá trị dịch vụ. Các sản phẩm của nền tảng công nghệ và dịch vụ chuyên ngành như sản phẩm dịch vụ: hệ thống cảnh báo thiên tai, thành phố thông minh, bệnh viện thông minh, giao thông thông minh và giám sát an ninh, Chính phủ điện tử, phòng họp không giấy hiện là các sản phẩm đang triển khai trong Cách mạng công nghiệp 4.0 năm 2019. Ngoài ra, các tập đoàn, công ty công nghệ khác như: CMC, SBD, ezCloud Toàn cầu, VNPay tiếp tục duy trì cung cấp ra thị trường các sản phẩm trên nền tảng điện toán đám mây. Cùng với đó, các DN viễn thông - CNTT vẫn tiếp tục hoàn thiện nâng cấp các dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây dành cho ngành bán lẻ, thương mại điện tử, hệ thống chuỗi cung ứng như: ví điện tử, ngân hàng số, tổng đài thông minh…
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019