Ghi dấu ấn đậm nét trong siết chặt kỷ luật tài chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát và tích cực góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước

HÀ THỊ MỸ DUNG - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước | 05/01/2023 13:12

(BKTO) - Bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhất quán hành động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, năm 2022, tập thể Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác đề ra.

Công cụ sắc bén trong kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công

Mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường khiến mọi mặt kinh tế - xã hội trong nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bối cảnh đó khiến KTNN vừa phải trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức, nhất là khi cả nước tập trung triển khai nhiều kế hoạch, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, đặt ra nhiều nhiệm vụ, trọng trách nặng nề đối với cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công. Tiếp nối một năm hành động mạnh mẽ, KTNN đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để có những đóng góp quan trọng giúp đất nước sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.

Yếu tố cần nhắc đến trong năm qua là hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả trên mọi khía cạnh, từ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trên cơ sở đó, Kế hoạch kiểm toán năm 2022 được toàn Ngành tập trung triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra. Cập nhật kết quả đến ngày 15/12, toàn Ngành đã xét duyệt 234/234 kế hoạch kiểm toán, xét duyệt 325 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 287 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12/2022, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng. Không chỉ đưa ra những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí...

Song song với việc triển khai hoạt động kiểm toán, lãnh đạo KTNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định. Tổng hợp kết quả đến ngày 15/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị về xử lý tăng thu, giảm chi NSNN 16.435 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64,82%, kiến nghị xử lý khác thực hiện 29.770 tỷ đồng (đạt 71,6%). Đồng thời, các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không còn phù hợp.

Thực hiện theo quy định của pháp luật, trong năm vừa qua, công tác công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đã được KTNN thực hiện một cách kịp thời, chất lượng và hiệu quả. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2020 với nhiều phát hiện quan trọng, được Quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm. Đồng thời, KTNN đã tổ chức Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020. Những kiến nghị nổi bật của KTNN khi được công khai đã giúp cho các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ hơn về những thiếu sót, bất cập, từ đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc các kiến nghị kiểm toán. Sự chuyển biến này không chỉ giúp giải quyết những vấn đề bất cập hiện tại mà còn có ý nghĩa về mặt lâu dài, quan trọng trong việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo KTNN yêu cầu các Đoàn kiểm toán phải tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc kiểm toán. 

Phục vụ ngày càng hiệu quả và gắn sát với hoạt động giám sát của Quốc hội

Dấu ấn nổi bật trong năm 2022 là những hoạt động của KTNN ngày càng gắn sát chặt chẽ với hoạt động giám sát của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2022, KTNN đã chủ động cử 3 lãnh đạo Ngành tham gia làm thành viên trong 4 Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Phát huy vai trò thành viên của các Đoàn giám sát, lãnh đạo KTNN vừa chỉ đạo sát sao các hoạt động kiểm toán theo nội dung giám sát của Quốc hội, vừa cung cấp thông tin, “điểm danh” cụ thể các vấn đề cần lưu ý cho Đoàn giám sát, qua đó giúp chất lượng giám sát đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, trong năm qua, KTNN đã gửi một số báo cáo tới Quốc hội, UBTVQH với nhiều thông tin giá trị nhờ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tiêu biểu trong số đó có báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia; báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; cho ý kiến về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đáng chú ý, trong báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia, KTNN đã cho ý kiến về tổng mức đầu tư của từng dự án và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của tổng mức đầu tư, phương án thiết kế để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025. Báo cáo đã được Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá rất cao, qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là khi quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

pho-tong-ktnn-ha-thi-my-dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: H. THÀNH

Cùng với đó, thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội, trong năm 2022, KTNN đã thực hiện và hoàn thành tốt các cuộc kiểm toán chuyên đề: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”… với nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật, đảm bảo mục tiêu, chất lượng và đáp ứng yêu cầu đề ra. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch. KTNN cũng đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tài nguyên khoáng sản, nhất là quản lý sau cấp phép khai thác khoáng sản… và đưa ra những kiến nghị đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm quy định về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản…

nam-2022-hoat-dong-kt.jpg
Năm 2022, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả trên mọi khía cạnh. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, căn cứ vào chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, UBTVQH, KTNN đã cử nhiều lượt công chức có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để tham gia ý kiến với các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH, cũng như trực tiếp tham gia vào các Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Thông qua những hoạt động và kết quả đóng góp thiết thực nêu trên, KTNN đã phục vụ ngày càng hiệu quả và gắn sát hơn với hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tích cực góp phần cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2022, KTNN đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định. Trong đó, riêng cuộc kiểm toán chuyên đề: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và ngay trong quá trình kiểm toán, KTNN cũng đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để cơ quan Thanh tra lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những vụ việc KTNN chủ động chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong năm qua, KTNN cũng đã cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Song song với những đóng góp hữu hiệu từ kết quả kiểm toán, KTNN còn cử 14 lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tiêu cực; chỉ đạo tham mưu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Hơn nữa, KTNN đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực KTNN” gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội…

Thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, ngay từ đầu năm, KTNN cũng đã ban hành Kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của KTNN, cải cách thủ tục hành chính trong thực thi công vụ; tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiện vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.../.

Cùng với những kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán, trên tất cả các lĩnh vực công tác của KTNN như: Xây dựng và phổ biến pháp luật; công tác tổ chức cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thi đua khen thưởng… đều đạt những kết quả khả quan, toàn diện, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh, phát triển vững vàng của KTNN. Trên cơ sở đó, KTNN luôn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cũng như sẵn sàng đón nhận, triển khai những nhiệm vụ khó khăn hơn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó với những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, hiệu quả, tiến độ… trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Ghi dấu ấn đậm nét trong siết chặt kỷ luật tài chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát và tích cực góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước