Báo Kiểm toán xin giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết về vấn đề này.
Bài 1: Tăng giá bán lẻ điện - EVN giảm lỗ được bao nhiêu?
Với việc giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023 được điều chỉnh tăng 3% so với giá hiện hành, EVN dự kiến doanh thu năm 2023 của Tập đoàn sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng - ông Đỗ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết.
Nguồn tăng thêm doanh thu của EVN năm 2023
Trao đổi về tác động của việc điều chỉnh giá điện đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đến các nhóm khách hàng sinh hoạt, đại diện lãnh đạo EVN nêu rõ, theo số liệu năm 2022, có 1,822 triệu hộ sản xuất sẽ phải trả thêm bình quân 307.000 đồng/tháng/hộ; 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng/khách hàng; 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp sẽ phải trả thêm 40.000 đồng/tháng/khách hàng.
Với nhóm khách hàng sinh hoạt là các hộ dân, tiền điện tăng thêm của các hộ tiêu thụ 50kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50kWh trên toàn quốc năm 2022 là 3,33 triệu hộ - chiếm 11,98% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Các hộ tiêu thụ 100kWh/tháng sẽ tăng thêm 5.100 đồng/hộ (có khoảng 4,7 triệu hộ - chiếm 16,85%); hộ tiêu thụ 200kWh/tháng tăng thêm 11.100 đồng/hộ (có 10,04 triệu hộ - chiếm 36,01%). Còn các hộ tiêu thụ 300kWh/tháng tăng thêm 18.700 đồng/hộ (có 4,96 triệu hộ - chiếm 17,81%) và các hộ tiêu thụ 400kWh/tháng sẽ tăng thêm 27.200 đồng/hộ (khoảng 2,21 triệu hộ - chiếm 7,95%).
Theo tính toán sơ bộ của EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% sẽ giúp doanh thu của EVN từ thời điểm tăng giá đến hết năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Ông Đỗ Quang Lâm cho biết, so với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và năm 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.
Trước đó, ngày 31/3/2023, khi Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 có nêu rõ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Nếu trừ đi các khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỷ đồng thì tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng.
Như vậy, với khoản doanh thu dự kiến tăng thêm trong năm 2023 từ việc tăng giá bán lẻ điện khoảng 8.000 tỷ đồng thì khoản lỗ của EVN vẫn là một con số “khổng lồ” và mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN năm nay.
EVN có còn dư địa giảm lỗ?
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo EVN, Tập đoàn đang giao các đơn vị trực thuộc thực hiện tiết kiệm 15% chi phí định mức, chi phí thường xuyên và tiết giảm đến trên 50% chi phí sửa chữa lớn trong năm 2023.
Cần nhìn nhận thêm về con số tiết kiệm chi và tiết giảm chi phí này trong năm 2022. Nhờ kết quả thực hiện đạt cao hơn mức kế hoạch được giao là tiết kiệm 10% chi phí định mức, chi phí thường xuyên và tiết giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn, các đơn vị thuộc EVN đã chủ động tiết kiệm, tiết giảm được 9.700 tỷ đồng. Vì thế, với những yêu cầu về tỷ lệ tiết kiệm, tiết giảm năm 2023 cao hơn năm 2022, chắc chắn con số tiết kiệm, tiết giảm được là không nhỏ… Theo đó, áp lực về tài chính của EVN cũng sẽ được giải tỏa thêm đáng kể.
Vấn đề tiết kiệm chi và tiết giảm chi phí sửa chữa lớn này đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá trong kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của EVN: Đến thời điểm kiểm toán, trong công tác sửa chữa lớn tài sản cố định, có đơn vị của EVN chưa xây dựng được định mức sửa chữa lớn đối với nhà máy nhiệt điện than và đã áp dụng bộ định mức dự thảo của tổ máy phát điện tuabin khí để xây dựng dự toán và quyết toán công trình sửa chữa lớn của nhà máy nhiệt điện than.
Thêm vào đó, KTNN còn phát hiện việc phân bổ chi phí công tơ vào chi phí sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty Điện lực không thống nhất, có đơn vị phân bổ tính theo năm, có đơn vị theo tháng làm ảnh hưởng đến giá thành cũng như lợi nhuận định mức trong phương án giá bán buôn điện.
Từ những bất cập phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị EVN cần rà soát xây dựng lại định mức nhân công sửa chữa lớn tại các nhà máy điện cho phù hợp với thực tế, đồng thời phải nghiên cứu xây dựng định mức vật tư, chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng định mức chi phí sửa chữa lớn gắn với chỉ tiêu suất sự cố và nghiên cứu điều chỉnh cơ chế nguyên giá tài sản cố định cho phù hợp với tình hình thực tế của các Tổng công ty Điện lực…
Như vậy, có thể thấy dư địa giảm lỗ đến từ các khoản tiết kiệm, tiết giảm chi phí của EVN là đáng kể khi mà Tập đoàn vẫn mạnh dạn đưa ra con số tỷ lệ thực hiện tiết kiệm 15% chi phí định mức, chi phí thường xuyên và tiết giảm đến trên 50% chi phí sửa chữa lớn trong năm 2023.
Những yếu tố khiến EVN rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính như hiện nay không chỉ có một phần nguyên nhân là do giá điện thấp, mà còn từ những nguyên nhân khác. Vậy làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư (EVN) và người tiêu dùng trong việc tính toán và quyết định mức giá bán lẻ điện?./.
Bài 2: Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người tiêu dùng