Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường

(BKTO) - Đó là chủ đề của Ngày hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới năm 2018 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 11/11.



Ngày hội hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về tác động của bệnh đái tháo đường đối với gia đình và mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng. Đồng thời, thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục bệnh đái tháo đường. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỷ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh.

Phát biểu tại ngày hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Trong 520.000 trường hợp tử vong thì nguyên nhân do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% và tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi chiếm 43% (theo số liệu thống kê năm 2012).

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18- 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, đái tháo đường tuýp 2 và 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá… Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tầm soát và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm bằng chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống khoa học.
                
   

Tư vấn, xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường cho người dân tại Ngày hội

   
GS.TS Trần Văn Thuấn- Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu của của thế kỷ XXI, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

Theo GS. Thuấn, bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.

Trong khuôn khổ Ngày hội có nhiều hoạt động hướng đến việc tăng cường kiến thức chung và cách thức kiểm soát cho căn bệnh đái tháo đường. Tại đây, người dân được làm xét nghiệm đái tháo đường, khám, tư vấn miễn phí về chế độ dinh dưỡng và luyện tập, nhận các tài liệu tuyên truyền về đái tháo đường…

Tin và ảnh: KIM AN
Cùng chuyên mục
Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường