Gia tăng hàm lượng trí tuệ và tính chuyên nghiệp của Tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH | 24/05/2024 08:43

(BKTO) - Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) thành lập chính thức theo Quyết định số 12/TTg ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân làm kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. VAA có cơ cấu hoàn chỉnh gồm đầy đủ các tổ chức chuyên môn, Tạp chí nghiên cứu khoa học, và hơn 10.000 hội viên sinh hoạt trong 27 tổ chức Hội thành viên.

8-chao-mung-dai-hoi-vii-va-ky-niem-30-nam-thanh-lap-vaa-1994-2024-vaa.jpg
Chào mừng Đại hội VII và Kỷ niệm 30 năm thành lập VAA (1994-2024). Ảnh: VAA

Hiệp hội là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC), Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). Ngoài ra, VAA còn hợp tác với nhiều tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, như: Hội Kế toán Vương quốc Anh (ACCA), Hội Kế toán công chứng Úc (CPAA), Hội Kế toán Hàn Quốc (KICPA), Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Walles (ICAEW), Viện Kế toán quản trị quốc tế (IMA), Hội Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA). Thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, VAA đã góp phần thúc đẩy kế toán và kiểm toán Việt Nam phát triển, từng bước hài hòa với nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam và nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Trong 30 năm hoạt động, VAA đã tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, tạo lập các yếu tố của nền kinh tế thị trường bình đẳng và lành mạnh. Đặc biệt, Hiệp hội đã tập hợp, khích lệ, tạo điều kiện và kiểm soát Hội viên trong việc đảm bảo sự tin cậy của hệ thống thông tin kinh tế, tài chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và các quyết định của Nhà nước, doanh nghiệp, góp phần vào sự lành mạnh nền tài chính quốc gia. Hội viên VAA đã tham gia ý kiến vào nhiều dự án Luật, chính sách kinh tế, tài chính, kế toán và kiểm toán, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.    

VAA đã được Nhà nước tin cậy, chuyển giao thực hiện một số nhiệm vụ dịch vụ công; trong đó có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho những người làm nghề kế toán, kiểm toán. Đồng thời, bồi dưỡng và kiểm soát chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Hội viên VAA thường xuyên được nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng và đạo đức hành nghề qua các khóa huấn luyện, đào tạo.

Hiệp hội góp phần nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Các hội viên, những người làm kế toán và kiểm toán thường xuyên cùng trao đổi, chia sẻ, nâng cao nhận thức nghề nghiệp và tuyên truyền về yêu cầu, tính chất của hệ thống thông tin kế toán trong cơ chế quản lý kinh tế mới. Đây là sự đổi mới quan trọng về tư duy và nhận thức về vị thế, yêu cầu của hệ thống thông tin tài chính trong kinh tế thị trường. VAA sẽ tăng cường thông tin dưới mọi hình thức đến các hội viên về hoạt động nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, đề cao trách nhiệm và lòng tự hào, ý thức, đạo đức nghề nghiệp. Hiệp hội cũng tham gia tích cực và có hiệu quả vào đánh giá, bình chọn báo cáo tài chính thường niên, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hoàn thiên báo cáo tài chính vì lợi ích của xã hội, các nhà đầu tư và của chính doanh nghiệp.

Hiệp hội là tổ chức, động viên và tạo điều kiện để Hội viên làm tròn trách nhiệm nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, tài chính, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và nền tài chính quốc gia. Hội viên VAA cần nâng cao năng lực nghiệp vụ và trách nhiệm nghề nghiệp để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tin cậy cho công tác quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Những thông tin do kế toán cung cấp được kiểm toán đánh giá, xác nhận là cơ sở quan trọng cho các quyết định kinh tế của các nhà đầu tư, chủ sở hữu. Hội viên VAA phải là những người tham gia tích cực để ngăn ngừa, hạn chế gian lận, sai phạm trong hoạt động tài chính, phòng chống các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng tài chính.

Hội viên VAA là những người hoạt động thực tiễn, vì vậy cần được huy động và tạo điều kiện để tham gia, phát hiện những vướng mắc, khiếm khuyết của chính sách, chủ động phát hiện và phản ảnh thực tế tác động của chính sách. Từ đó, đề xuất ý kiến, giải pháp hoàn thiện chính sách, dự án Luật về kinh tế, tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán... Ngoài ra, Hiệp hội cần tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, tích cực trong phổ biến khoa học công nghệ, tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích các Luật, chính sách, đưa Luật và chính sách kinh tế, tài chính vào cuộc sống.

Kinh nghiệm cho thấy, Hiệp hội đã làm tốt và cần chủ động ban hành các quy chế hành nghề, quy trình nghiệp vụ cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch vụ tài chính, quản trị doanh nghiệp; góp phần phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động và hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong quản trị kinh doanh. Các quy trình kiểm tra, kiểm soát dịch vụ cần được thiết lập và vận hành có hiệu quả, hiệu lực trên thực tế, đặc biệt là quy chế kiểm soát chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

Các tổ chức hội viên của VAA là các tổ chức nghề nghiệp uy tín, có tính chuyên nghiệp cao. Đây là điều kiện và cơ sở quan trọng để đảm bảo độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính và xác lập, củng cố vị thế nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế. Có thể nói, VAA đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của những người làm kế toán và kiểm toán ở mọi lĩnh vực, trên mọi miền cả nước.

Hiệp hội cần thiết lập các chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao theo chuẩn quốc tế; tổ chức hoạt động đào tạo với các hình thức đa dạng và phong phú. Cùng với việc đào tạo, cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho Hội viên, VAA cũng cần có chương trình và các lớp bồi dưỡng kiến thức tài chính, quản trị kinh doanh, thuế, kế toán, kiểm toán cho đội ngũ những người làm công tác quản lý, chủ tài khoản, chủ sở hữu doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nhà nước...

Với trách nhiệm và vinh dự là thành viên của AFA, IFAC, VAA có cơ hội giao lưu, tiếp cận với các nước trong khu vực và trên thế giới để hoàn thiện, phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá nghề nghiệp và thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân. Hiệp hội chủ động tham gia các hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, đề xuất các giải pháp tăng cường quan hệ phối hợp hoạt động, hợp tác quốc tế; làm tốt vai trò và trách nhiệm Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2002-2005 và tổ chức thành công 2 Hội nghị Kế toán quốc tế tại Việt Nam; đăng cai tổ chức tốt nhiều hội thảo quốc tế và đang làm tốt vai trò Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2022-2025.

VAA và những người làm kế toán, kiểm toán trên cả nước luôn ý thức và sẵn sàng triển khai các công việc vì sự phát triển nghề nghiệp, cũng như hệ thống thông tin kinh tế, tài chính tin cậy và minh bạch. VAA nhất quán hoạt động theo phương châm “Tin cậy - Chuyên nghiệp - Phát triển” để xứng đáng là tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp và tin cậy./.

Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực công tại địa phương
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Từ việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với các địa phương, những năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực X đã triển khai hiệu quả hoạt động kiểm toán, đóng góp tích cực vào việc giúp các cấp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phát triển kinh tế - xã hội; lập dự toán ngân sách; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
  • Nhiều cách làm hay trong thực hiện kiến nghị kiểm toán
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Dù điều kiện kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn, song xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cùng với sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước (KTNN), các địa phương đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với nhiều cách làm hay. Kết quả là tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán của các địa phương luôn cao hơn mức trung bình của cả nước.
  • Nỗ lực không ngừng để xứng danh “Nghệ tinh, tâm sáng”
    3 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hơn 15 năm cống hiến tại Kiểm toán nhà nước (KTNN), nữ Kiểm toán viên (KTV) Nguyễn Thị Lan Anh (Phó Trưởng phòng, KTNN khu vực VI) đã trải qua bao kỉ niệm gắn với Ngành, với nghề. Dù công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng nữ KTV luôn tự hào vì đằng sau những nỗ lực của bản thân, cùng với KTNN đã góp một phần vào sự minh bạch của nền tài chính quốc gia.
  • Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại Kiểm toán nhà nước
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm có những ưu thế riêng so với đào tạo, bồi dưỡng theo cách truyền thống là xây dựng và phát triển những năng lực mà một vị trí việc làm cần phải đáp ứng, tạo được sự thay đổi về chất trong toàn bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
  • Không ngừng tăng cường phối hợp công tác với các địa phương
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực III, trong những năm qua, mối quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN (thông qua KTNN khu vực III) với TP. Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN. Đặc biệt, các hoạt động giám sát, quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) đã được nâng cao hơn thông qua việc nắm bắt các thông tin từ kết quả kiểm toán.
Gia tăng hàm lượng trí tuệ và tính chuyên nghiệp của Tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam