Công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả
Năm 2011, KTNN đã ký Quy chế phối hợp công tác với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (HĐND, UBND) 6 tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực X, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ bổ trợ, tương hỗ giữa các cơ quan để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X Đoàn Huy Vinh, sau 13 năm thực hiện, hoạt động phối hợp giữa KTNN với các địa phương ngày càng đi vào thực chất, đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ trên các mặt: Xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT); thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và từng kiểm toán viên.
Hằng năm, KTNN khu vực X đã phối hợp với các địa phương trong công tác khảo sát, thu thập thông tin về đầu mối kiểm toán phục vụ công tác lập KHKT theo định hướng của Ngành. Thường trực HĐND, UBND các tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan tổng hợp và các đơn vị có liên quan cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu và các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do HĐND, UBND ban hành, giúp KTNN nắm bắt kịp thời những thông tin, chính sách liên quan đến quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát, thu thập thông tin lập KHKT. “Việc gửi văn bản lấy ý kiến của Thường trực HĐND, UBND các địa phương và cơ quan thanh tra, kiểm tra về đầu mối kiểm toán trong các KHKT đã nhận được sự đồng thuận cao, góp phần hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các cấp” - Kiểm toán trưởng Đoàn Huy Vinh khẳng định.
Trong quá trình kiểm toán, Lãnh đạo KTNN khu vực X thường xuyên trao đổi thông tin với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để cùng phối hợp xử lý. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ, lấy ý kiến đánh giá của một số đơn vị được kiểm toán về hoạt động kiểm toán, cách xử lý công việc, ứng xử của kiểm toán viên, qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng kiểm toán.
Tại các cuộc họp thông qua dự thảo kết quả kiểm toán, KTNN khu vực X luôn mời Ban Kinh tế - Ngân sách, Sở Tài chính tham gia để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong các hoạt động có liên quan. Những ý kiến, kiến nghị của địa phương luôn được KTNN nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khách quan, hợp pháp, hợp lý giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn quản lý, điều hành ngân sách tại địa phương.
Đặc biệt, khi báo cáo kiểm toán được phát hành, lãnh đạo các tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị liên quan để thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN đảm bảo đúng yêu cầu và thời gian quy định. HĐND các tỉnh đã ban hành Nghị quyết giám sát tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN, giúp kết quả thực hiện các kiến nghị của KTNN ngày càng được nâng cao qua các năm.
Trong 13 năm hoạt động (2011-2023), KTNN khu vực X được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 74 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 10.978 tỷ đồng. Trong đó: Tăng thu ngân sách 294 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 2.825 tỷ đồng; xử lý khác 7.860 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán giai đoạn 2018-2023 đạt tỷ lệ trên 83%.
Không chỉ phối hợp trong hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực X còn tích cực phối hợp với các địa phương trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành Thường trực HĐND, UBND; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
Giúp địa phương khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý nguồn lực công
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X Đoàn Huy Vinh nhấn mạnh, kết quả kiểm toán thời gian qua của đơn vị không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước (NSNN). Quan trọng hơn, hoạt động kiểm toán đã giúp các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng các nguồn lực công; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách.
Cùng với đó, KTNN khu vực X đã kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, thu hồi nhiều văn bản điều hành thu, chi NSNN do các cơ quan quản lý, các địa phương ban hành chưa phù hợp với các luật, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn tại địa phương. Đơn cử, năm 2018, KTNN khu vực X đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn thay thế Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng trên địa bàn tỉnh phù hợp với hướng dẫn của Bộ Xây dựng về xác định đơn giá, tổng mức đầu tư công trình, tránh gây thất thoát lãng phí, tăng giá trị gói thầu; năm 2019, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 07/6/2013 của UBND tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, Quyết định số 1821/QĐ-UBND ngày 27/7/2015, Quyết định số 3378/QĐ-UBND ngày 06/11/2018 về phê duyệt và điều chỉnh bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên cho phù hợp Luật NSNN năm 2015…
Đặc biệt, ngoài các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, KTNN khu vực X đã thực hiện kiểm toán một số dự án đầu tư, công trình trọng điểm mà địa phương đề nghị. Thông qua kiểm toán, KTNN giúp địa phương có những thông tin tin cậy, khách quan phục vụ công tác hoạch định, ban hành chính sách quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, là cơ sở để HĐND tỉnh giám sát hiệu quả hoạt động của UBND, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X Đoàn Huy Vinh, trong thời gian tới, KTNN khu vực X sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế cho phù hợp với điều kiện thực tế, giúp hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả, thực chất./.