Nỗ lực không ngừng để xứng danh “Nghệ tinh, tâm sáng”

(BKTO) - Hơn 15 năm cống hiến tại Kiểm toán nhà nước (KTNN), nữ Kiểm toán viên (KTV) Nguyễn Thị Lan Anh (Phó Trưởng phòng, KTNN khu vực VI) đã trải qua bao kỉ niệm gắn với Ngành, với nghề. Dù công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng nữ KTV luôn tự hào vì đằng sau những nỗ lực của bản thân, cùng với KTNN đã góp một phần vào sự minh bạch của nền tài chính quốc gia.

_dsc9644.jpg
Kiểm toán viên nhà nước Nguyễn Thị Lan Anh vinh dự, tự hào là một thành viên và được cống hiến tại KTNN. Ảnh: N.Lộc

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, nữ KTV đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán về hành trình đến với nghề và những năm tháng ghi dấu tại KTNN.

Thưa chị, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề kiểm toán? Chị có thể chia sẻ kỷ niệm kiểm toán đáng nhớ trong thời gian công tác cho đến nay?

Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Tài chính, tôi về công tác tại cơ quan tài chính, thuế ở địa phương; khi đó tôi có cơ hội được làm việc và tiếp xúc với Kiểm toán viên nhà nước. Ấn tượng của tôi lúc ấy là hình ảnh các Kiểm toán viên nhà nước có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng xử lý công việc khoa học, cư xử và giao tiếp đúng mực. Hình ảnh đó cứ thế đi vào trong tâm trí tôi và lớn dần theo thời gian.

Chính vì lẽ đó, từ những năm đầu khi thành lập KTNN khu vực VI, tôi đã có cơ duyên được đứng trong hàng ngũ của KTNN.

_dsc9510a.jpg

Trải qua hơn 15 năm công tác, tôi luôn tự hào và hãnh diện khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc của KTNN, góp phần chung tay thực hiện sứ mệnh làm minh bạch nền tài chính quốc gia

Kiểm toán viên Nguyễn Thị Lan Anh

Đó cũng là khoảng thời gian bản thân tôi cùng đồng nghiệp trải qua bao kỷ niệm đẹp về nghề, về KTNN. Trong đó, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là cuộc kiểm toán chuyên đề về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - chương trình hướng đến hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo vùng khó khăn.

Tính nhân văn của chương trình thể hiện ở chỗ, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khi thực hiện cuộc kiểm toán, qua những lần thực tế tiếp xúc với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, cảm nhận được những khó khăn, vất vả của đồng bào, tôi nhận thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn nữa để có kiến nghị thúc đẩy chương trình ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn, đúng theo tính nhân văn của chương trình; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước là “Cả nước chung tay vì người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; không ai bị bỏ lại ở phía sau”.

Kiểm toán là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực. Chị có thể chia sẻ một số khó khăn gặp phải trong quá trình kiểm toán và yêu cầu đặt ra đối với mỗi KTV để đạt được kết quả, hiệu quả kiểm toán cao, thưa chị?

Đúng vậy, kiểm toán nhà nước là ngành khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự bao quát rộng. Ngoài nghiệp vụ kiểm toán, KTV còn phải am hiểu pháp luật và các lĩnh vực chuyên ngành, liên ngành. Trong đó, một số khó khăn khi kiểm toán có thể kể đến như:

Thứ nhất, kiểm toán là công việc đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, hiểu biết rộng lớn; đồng thời KTV phải nắm bắt các thông tư nghị định, quy định, các văn bản pháp luật các cấp. Đối với mỗi lĩnh vực kiểm toán, chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên tắc, quy luật của từng nội dung kiểm toán.

Thứ hai, đối với các phát hiện chúng ta cần thận trọng đưa ra đánh giá, nhận xét trên nhiều phương diện, từ đó đưa ra các kiến nghị chính xác, có tính thuyết phục để đơn vị được kiểm toán nhìn nhận, đánh giá cao và thực hiện các kiến nghị một cách đầy đủ, kịp thời.

Thứ ba, mỗi cuộc kiểm toán thường kéo dài 45 đến 60 ngày, các KTV ngoài việc tuân thủ các quy định, quy chế của Ngành, còn phải gặp và tiếp xúc rất nhiều đơn vị, đi công tác xa nhà, di chuyển nhiều địa phương. Chính vì lẽ đó, các KTV phải đảm bảo sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu kiểm toán, đồng thời cân đối công việc cũng như trách nhiệm với gia đình, làm sao hài hòa, trọn vẹn nhất.

Thứ tư, do tính chất công việc quan trọng, những đánh giá, kiến nghị của KTV phải có tính chính xác, thuyết phục cao, tránh đưa ra các ý kiến, nhận định chủ quan; KTV phải vượt qua được các cám dỗ từ nhiều yếu tố, để xứng đáng “Nghệ tinh, tâm sáng”. Muốn vậy, KTV phải luôn làm đúng quy định, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Ngành, nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, để đạt được yêu cầu về tiến độ, chất lượng kiểm toán, cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm toán, KTV cần thận trọng trong từng khâu, trong suốt quá trình kiểm toán. Cụ thể:

Một là, KTV cần phân tích rõ mục tiêu, trọng tâm của của kiểm toán, để từ đó chúng ta thu thập các tài liệu, nghiên cứu kỹ chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công kiểm toán, nhằm mục đích xây dựng được kế hoạch kiểm toán đầy đủ các nội dung, trọng tâm.

Hai là, KTV phải thường xuyên tự nghiên cứu cập nhật các chế độ mới, các văn bản chính sách pháp luật mới, các chủ trương của Đảng và nhà nước, các định hướng của toàn ngành. Đồng thời tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.

Ba là, tham gia các lớp học đào tạo bồi dưỡng của Ngành, bổ sung các kiến thức, kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nghiệp vụ kiểm toán.

Bốn là, ngoài nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, KTV cần phải hoàn thiện, nâng cao hơn nữa quy tắc ứng xử, nêu cao đạo đức công vụ, nghiên cứu kỹ về các nhiệm vụ, nội dung kiểm toán gắn với đơn vị được giao. Đồng thời, trong giao tiếp với đơn vị, KTV cần giữ chuẩn mực, đúng tác phong, lề lối tại đơn vị kiểm toán, thực hiện nghiêm các chỉ thị quy định, quy chế của Ngành, của đoàn kiểm toán.

Năm là, KTV cần tăng cường sử dụng, áp dụng thuần thục các phần mềm để giúp tạo thuận lợi, cũng như nâng cao chất lượng kiểm toán, hoàn thành được các trọng tâm, mục tiêu đề ra và đảm bảo tiến độ công việc.

Thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quán triệt, triển khai các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo chị, các KTV cần làm gì để đáp ứng tốt yêu cầu này?

KTNN đã có nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo trong Ngành liên quan đến nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường đạo đức công vụ như Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

kv6-3.jpg
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của đơn vị, nữ KTV vinh dự cùng đồng nghiệp được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN". Ảnh: N.Lộc

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với KTV có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ... 

Tiếp đó, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN cũng ban hành Chỉ thị số 552-CT/BTV ngày 05/01/2023 về thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 với chủ đề “Chất lượng và đạo đức công vụ”. Đặc biệt gần đây Trung ương đã ban hành Quyết định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương đòi hỏi công chức, KTV cần phải trau dồi hơn nữa đạo đức công vụ, tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của cơ quan trong thực hiện công việc được giao.

Trong đó, cần chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không ngừng phấn đấu, tự rèn luyện ý chí và bản lĩnh để vượt qua mọi cám dỗ, tránh rơi vào các biểu hiện tự suy thoái, tự chuyển hóa. Tuân thủ đầy đủ các nội quy, quy chế của cơ quan, nơi làm việc; nghiên cứu kỹ các chuẩn mực, quy trình của KTNN, quy chế của đoàn kiểm toán, quy định pháp luật, thực hiện tốt quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp KTV. Thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân.

Có thể nói, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình. Trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi KTNN phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.

Với lòng tự hào nghề nghiệp và sự tâm huyết với Ngành, với nghề, tôi kỳ vọng KTNN phát triển hơn nữa, ngày càng khẳng định vai trò, là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm lành mạnh, minh bạch nền tài chính quốc gia.

Trân trọng cảm ơn chị!

Cùng chuyên mục
Nỗ lực không ngừng để xứng danh “Nghệ tinh, tâm sáng”