Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức chiều 17/10.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước còn khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, xung đột giữa một số quốc gia khiến đứt gãy nguồn cung, nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định 4,5-6% trong 5 năm qua.
“Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu không có vấn đề gì đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm 2023” - ông Đăng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đăng, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian vừa qua vẫn diễn ra phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường cung cấp giống gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan ở trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm...
Đề cập đến tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Bộ NNPTNT đã ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai tại các địa phương còn rất nhiều hạn chế.
“Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Lợi dụng dịp này các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phức tạp” - ông Minh chia sẻ.
Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta, con số này có xu hướng gia tăng dịp cuối năm.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Thông tin về vấn đề này, đại tá Nguyễn Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu không đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp.
Từ đó, ông Hiệp kiến nghị tất cả các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu song ngành chăn nuôi và thú y cần có giải pháp căn cơ như xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để giải quyết tình trạng nhập lậu này.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các ngành và nâng cao vai trò của truyền thông về tác hại của sản phẩm nhập lậu cũng như đấu tranh chống buôn lậu.
Dù có ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đối với ngành chăn nuôi mà còn đến nền kinh tế, sức khỏe của người dân, song theo các chuyên gia, vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm chưa được nhìn nhận đúng tính chất.
“Đây là việc rất khó và phức tạp vì ngay ở khâu nhận thức còn chưa đầy đủ. Nếu không có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các địa phương, Bộ, ngành thì không bảo vệ được ngành chăn nuôi nước nhà” - ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ lo ngại.
Không chỉ ở khu vực biên giới, cả trong nội địa, các Bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp để cùng ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với những khó khăn do tình hình thế giới diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu, năng lực phục vụ của các cơ sở trong nước chưa đảm bảo... Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung trong nước, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Bên cạnh đó, ngành công an và các lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý hoạt động buôn bán động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ../.