Gia tăng nợ thuế, ngân sách nhà nước sẽ rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt

L.HƯỜNG - H.THOAN (thực hiện) | 11/06/2024 16:48

(BKTO) - Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), số nợ thuế năm 2022 tiếp tục tăng cao, tình trạng hạch toán và kê khai doanh thu, chi phí chưa chính xác dẫn đến tính thiếu các loại thuế vẫn tiếp diễn... Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng nhiều khoản phải nộp NSNN và xác nhận quyết toán thu NSNN vượt cao so với dự toán.

1911thu-chi-ngan-sachnga-1671433424247357170368.jpg
KTNN ghi nhận tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Ảnh minh họa

Xác định phải nộp ngân sách nhà nước tăng 3.841 tỷ đồng

Quyết toán thu NSNN năm 2022 được KTNN xác nhận là 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao; tăng 14,3% so với thực hiện năm 2021 (1.820.310/1.591.411 tỷ đồng).

Trong tổng thu NSNN năm 2022, thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao với một số khoản thu vượt dự toán cao như thu từ DNNN vượt 13,3%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 18,2%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 21,7%, thu tiền sử dụng đất vượt 54,4% so với dự toán trung ương giao, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế vượt 8,2%.

Thu hoạt động xuất nhập khẩu vượt 24% dự toán giao; thu dầu thô vượt 177,1% dự toán giao, bên cạnh nguyên nhân do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán (vượt 44,7USD/thùng) còn do việc PVN dự kiến sản lượng thấp so với khả năng thực hiện, dẫn đến thực hiện vượt 24% so với dự toán giao.

KTNN cũng phát hiện tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 3.841 tỷ đồng.

Liên quan đến quản lý nợ thuế, KTNN ghi nhận tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 (158.914,7 tỷ đồng/116.961,7 tỷ đồng), số tuyệt đối tăng 41.952,9 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tỷ trọng nợ thuế đến ngày 31/12/2022 so với thu nội địa (trừ dầu thô) bằng 10,97% (tương đương 158.914,7 tỷ đồng/1.447.915 tỷ đồng), tăng so với năm 2021 với tỷ trọng 9,2% (116.961,7 tỷ đồng/1.268.644 tỷ đồng).

Có 22/59 Cục Thuế được kiểm toán, tổng hợp nợ thuế chưa đầy đủ 7.546,3 tỷ đồng; 13/63 địa phương còn chênh lệch giữa báo cáo nợ thuế đến ngày 31/12/2022 được in từ ứng dụng TMS với báo cáo nợ thuế do Cục Thuế nộp bản giấy số tiền 2.768,6 tỷ đồng; một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao.

Tại nhiều địa phương, một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời đối với một số người nộp thuế; phân loại nợ chưa đúng quy định.

Tổng cục Thuế cho biết, ước tính tổng nợ thuế tính đến thời điểm 31/5/2024 là 199.964 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ngày 30/4/2024. Nếu loại trừ số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến 31/5/2024 là 176.491 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30/4/2024.

Về cơ cấu nợ thuế, số nợ khó thu chiếm tỷ trọng 16%; nợ có khả năng thu chiếm 57,5%, trong đó nợ thuế, phí chiếm 32,3%; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm 25,2%; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu chiếm 14,8%; tiền thuế nợ đang xử lý chiếm 4,5%; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện chiếm 7,2%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tại thời điểm 31/5/2024 tăng so với thời điểm 31/12/2023 chủ yếu ở các khoản nợ liên quan đến đất do các khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các DN kinh doanh bất động sản, dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Bên cạnh đó, tiền thuế nợ ước tại thời điểm 31/5/2024 tăng còn do người nộp thuế chưa kịp thời nộp các khoản quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 và các khoản tiền thuế được gia hạn đã hết thời gian gia hạn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu cơ quan thuế các cấp theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, đúng quy định.

Số nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 là 7.298,7 tỷ đồng (trong đó, nợ thuế chuyên thu 5.853,7 tỷ đồng, nợ thuế tạm thu 1.445 tỷ đồng), tăng 3,8% (270,7 tỷ đồng) so với năm 2021 (7.298,7 tỷ đồng/7.028 tỷ đồng). Cụ thể: nợ quá hạn về thuế chuyên thu 5.853,7 tỷ đồng, tăng 4,9% (272,9 tỷ đồng); nợ quá hạn về thuế tạm thu 1.445 tỷ đồng, giảm 0,4% (6 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán tổng hợp tại Tổng cục Hải quan cho thấy: Còn 18/27 Cục Hải quan thực hiện thu nợ đọng thuế đạt dưới 10% chỉ tiêu thu nợ được Tổng cục giao, trong đó có 6 Cục Hải quan được giao chỉ tiêu nhưng không thực hiện được. Việc phân loại vào nợ khó thu đối với các khoản nợ đọng thuế chuyên thu tại thời điểm 31/12/2022 còn chưa phù hợp với trạng thái người nộp thuế…

Tổng số khoanh nợ, xóa tiền phạt, tiền chậm nộp lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết đến 30/6/2023 theo báo cáo của cơ quan thuế, cơ quan hải quan là: Khoanh nợ 704.614 người nộp thuế, số tiền 28.398,2 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 390.074 người nộp thuế, số tiền 8.773,4 tỷ đồng.

Dự toán thấp không khích lệ hoạt động thu ngân sách nhà nước

Từ những kết quả trên, phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện Đào tạo Sau đại học, Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Thưa bà, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 vừa được Kiểm toán nhà nước (KTNN) trình Quốc hội cho thấy số thu nội địa năm 2022 đã vượt 22,9% dự toán giao. Dù kết quả đạt được là tích cực nhưng việc dự toán chưa sát ảnh hưởng như thế nào đến cân đối NSNN, thưa bà?

pgs-ts.-nguyen-thi-phuong-hoa-truong-bo-mon-kiem-toan-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan.jpg
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện Đào tạo Sau đại học, Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Nguyễn Ly

Dự toán thu NSNN thấp so với thực tế có thể dẫn đến dự toán chi NSNN cũng xác định ở mức thấp, từ đó hạn chế chi cho các chương trình an sinh xã hội và chi đầu tư công. Sự hạn chế mức chi cho các chương trình an sinh xã hội sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đến việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm. Sự hạn chế chi đầu tư công ảnh hưởng đến tăng thất nghiệp và giảm tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp khác, dự toán thu NSNN ở mức thấp có thể dẫn đến dự toán vay của chính phủ tăng để bù đắp mức thu thấp, nợ công sẽ tăng và chi phí lãi vay tăng, gây áp lực ở năm tiếp theo cho cân đối NSNN.

Ngoài ra, dự toán thu NSNN thấp so với thực tế cũng không tạo áp lực khích lệ hoạt động thu NSNN ở giai đoạn thực hiện NSNN.

Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác… vẫn tiếp diễn tại nhiều đơn vị, khiến số phải nộp NSNN tăng thêm 3.841 tỷ đồng. Theo bà, thực trạng này cho thấy điều gì?

Thực trạng đó cho thấy các cơ quan thu NSNN cần phải tiếp tục nâng cao hiệu lực hoạt động thu NSNN trong thực tế. Các cơ quan thu NSNN nên tiếp thu các khuyến nghị kiểm toán của KTNN để hoàn thiện hoạt động thu NSNN của mình. Thực tế mức thu NSNN còn thiếu có thể do những hoạt động kinh tế mới phát sinh (ví dụ bán hàng trên mạng), do vậy, cơ quan quản lý thu NSNN cần sớm nghiên cứu ban hành nhanh các quy định mới về tính thuế áp dụng cho các hoạt động mới.  

Kết quả kiểm toán cho thấy số nợ thuế năm 2022 tiếp tục gia tăng, chẳng hạn nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tăng 36% so với năm 2021 (tăng 41.952,9 tỷ đồng). Xin bà phân tích về những tác động của việc gia tăng nợ thuế đến số thu NSNNđến nền kinh tế?

Gia tăng nợ thuế dẫn đến số thu NSNN thực hiện thấp, NSNN sẽ rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt để giải ngân cho chi tiêu công và đầu tư công, dẫn đến tiến độ giải ngân cho đầu tư công có thể bị chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Các chương trình an sinh xã hội từ NSNN có thể cũng bị chậm hay điều chỉnh giảm nên ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế bao trùm. Các chi tiêu thường xuyên cho bộ máy hành chính sự nghiệp cũng có thể bị chậm, hay hoãn lại ảnh hưởng đến các hoạt động theo kế hoạch của cơ quan hành chính sự nghiệp.

Bà có thể chia sẻ một số giải pháp để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý thu của các cơ quan thuế hiện nay?

Theo tôi, cần phải thực hiện các khuyến nghị của KTNN về tăng cường hoạt động thu NSNN. Đồng thời, cần nghiên cứu các hoạt động kinh tế mới để ban hành các qui định mới về thu thuế đối với các hoạt động này. Bên cạnh đó, cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát việc khai thuế và thanh tra thuế của các tổ chức, cá nhân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Cùng chuyên mục
Gia tăng nợ thuế, ngân sách nhà nước sẽ rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt