Kiến nghị “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

(BKTO) - Qua cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương (năm 2023), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản, quy định để “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

dsc_5545.jpg
Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: N.Lộc

Những phát hiện, kiến nghị sửa đổi bất cập về cơ chế, chính sách của KTNN được đánh giá là một trong những dấu ấn nổi bật qua cuộc kiểm toán này.

Khó khăn trong quản lý, sử dụng dịch vụ môi trường rừng

Qua kiểm toán, bên cạnh kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý tài chính, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong triển khai quy định liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có các quy định liên quan đến Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về đối tượng thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Đơn cử như tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định đối tượng thu tiền DVMTR là cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp nhưng không đề cập, hướng dẫn thu tiền DVMTR đối với trường hợp các cơ sở vừa sản xuất công nghiệp, vừa sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác,... gây khó khăn cho việc xác định, thu tiền của các đối tượng này.

Tương tự, tại điểm b khoản 1 Điều 68 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định thời gian thông báo số tiền DVMTR dự kiến và thời gian xác định số tiền này được điều phối nhưng không quy định thời gian điều phối tiền DVMTR từ Quỹ trung ương cho các Quỹ địa phương; chưa quy định mẫu biểu, thời điểm và thời hạn báo cáo tiền DVMTR; điểm k khoản 2 Điều 76 chưa quy định thời hạn và thời điểm lập, gửi báo cáo hằng năm về tình hình thu chi tiền DVMTR của Quỹ địa phương về Quỹ trung ương theo mẫu số 16 Phụ lục VI.

Tại điểm e khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP chưa hướng dẫn rõ, cụ thể cách tính định mức việc điều tiết cho các diện tích rừng có mức chi trả trên 01 hécta từ thấp nhất trở lên từ nguồn tiền không xác định hoặc chưa xác định đối tượng nhận tiền.

Nghị định số 156/2018/NĐ-CP cũng chưa có quy định về đối tượng phải trả DVMTR đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp 2017 (chỉ quy định đối tượng phải trả DVMTR là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản) nên Quỹ BVPTR cấp tỉnh không có căn cứ để thu tiền DVMTR đối với đối tượng cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã.

Mặt khác, hiện còn thiếu quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Điều này dẫn đến gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động kinh doanh dịch vụ sinh thái, du lịch – một trong những hướng đi đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh hiện nay nhằm tăng giá trị từ rừng.

Tại mục 2 phần II Phụ lục VII kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng (Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo trữ lượng rừng, gồm rừng rất giàu và rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo. Hệ số K1 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng rất giàu và rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp à Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Tuy nhiên tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng chưa hướng dẫn tiêu chí xác định trữ lượng đối với rừng trồng (Thông tư này mới chỉ hướng dẫn tiêu chí xác định trữ lượng đối với rừng tự nhiên) do đó địa phương không có cơ sở xác định giá trị K1 đối với rừng trồng.

bqt_0962.jpg
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP không đề cập, hướng dẫn thu tiền thu tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh TL

Thiếu quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế

Một trong những vấn đề được Đoàn kiểm toán quan tâm làm rõ, đó là quy định hiện hành chưa đề cập đến việc xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế (TRTT).

Cụ thể, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ mới quy định xử phạt đối với hành vi chưa nộp, chậm nộp tiền DVMTR, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về TRTT nhưng không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền TRTT.

Theo đánh giá của KTNN, việc không có quy định xử lý khi chậm nộp tiền TRTT đã tạo ra sự chưa công bằng giữa đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật.

Trong giai đoạn 2020-2022, một số đơn vị tại một số địa phương chậm nộp tiền TRTT, một số đơn vị phải nộp tiền TRTT nhưng chưa thực hiện nộp đủ số tiền TRTT theo văn bản của UBND tỉnh về phê duyệt phương án nộp tiền TRTT khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng)…; còn trường hợp một số địa phương tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phát sinh các trường hợp chậm nộp tiền TRTT theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT.

Tại thời điểm đơn vị thực hiện nộp tiền TRTT thì đơn giá để thực hiện TRTT đã thay đổi (xu hướng tăng lên) so với đơn giá được phê duyệt từ đó dẫn đến tiền thu TRTT không đủ chi trồng đủ diện tích rừng đã chuyển đổi.

Mặt khác, các văn bản có liên quan như Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT, Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT chưa có quy định về việc phải tính lại tiền TRTT tại thời điểm nộp, tính phạt chậm nộp tiền TRTT khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền chuyển loại rừng đặc dụng và chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng tại Luật Lâm nghiệp 2017 chưa thống nhất giữa Điều 20 với Điều 18 và Điều 25 về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đến gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với vấn đề này.

Cụ thể, Điều 20 Luật Lâm nghiệp quy định “Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên…”; “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 hécta…”.

Trong khi đó, tại điểm b khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 25 Luật Lâm nghiệp 2017 nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền chuyển loại rừng đặc dụng do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập sang loại rừng khác (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) khi đáp ứng các tiêu chí chuyển loại, được HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương; từ đó tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội như quy định tại khoản 2, khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng