Cử nhân thất nghiệp vẫn gia tăng
Bản tin cập nhật thị trường lao động quý III/2017 cho thấy, tình hình thất nghiệp giảm nhẹ cả về số lượng và tỷ lệ. Tuy nhiên, thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học (gồm các trường đại học, cao đẳng) lại tăng so với quý II/2017. Cũng theo Bản tin, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động đại học liên tục đứng đầu trong năm 2017 đã cho thấy sự báo động đối với nguồn nhân lực có trình độ này.
Giải thích về tình trạng trên, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, nguyên nhân là do sự khó khăn của DN, cộng với việc thiếu tiếng nói chung giữa DN và người lao động. Bên cạnh đó, nhiều người còn mang tâm lý có bằng cấp nên ngại làm công việc giản đơn.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần được chú trọng và đổi mới cách thức hơn nữa. Ảnh: HẢI ANH
Đặc biệt, “Báo cáo lương năm 2017” vừa được VietnamWorks (Cổng Thông tin việc làm trực tuyến thuộc Tập đoàn Navigos Group) công bố đã góp phần làm rõ nguyên nhân thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học liên tục gia tăng thông qua bức tranh việc làm, tiền lương, xu hướng lựa chọn công việc của người mới tốt nghiệp. Theo đó, mức lương trung bình được đề xuất trả cho người tìm việc là khoảng 5 - 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, ứng viên có xu hướng ứng tuyển nhiều nhất vào các vị trí công việc có mức lương cao hơn từ 1 đến 2 bậc so với mức trung bình trên. Đơn cử, lĩnh vực hành chính/thư ký và sản xuất với mức lương 11 - 16 triệu đồng - cao hơn 1 bậc so với mức lương trung bình - đã nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển nhất. Các ngành như kế toán, marketing… nhận được lượng hồ sơ ứng tuyển nhiều nhất cho các vị trí có mức lương từ 16 - 22 triệu đồng, cao hơn 2 bậc so với mức trung bình.
Đây cũng là mức lương được nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ứng tuyển nhiều nhất, trong khi nhóm công việc này chỉ cần tuyển khoảng 6% ứng viên trong số đó. Ngược lại, nhóm ứng viên có kinh nghiệm thấu hiểu hơn về mức lương trung bình trên thị trường vẫn sẵn sàng tìm các cơ hội việc làm có mức lương thấp hơn so với mong đợi.
Nhận định về xu hướng trên, chuyên gia Lê Đình Quảng - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đó là đòi hỏi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là năng lực của người lao động cần đáp ứng được yêu cầu công việc. “Bức tranh việc làm vừa qua đã cho thấy, những lao động có kinh nghiệm đưa ra lựa chọn đúng đắn hơn khi họ biết đánh giá đúng năng lực với vị trí việc làm để tránh bị thất nghiệp” - ông Quảng nói.
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Theo phân tích của các chuyên gia, bất cập nêu trên là do người lao động, đặc biệt là nhóm lao động đại học, thiếu căn bản những kiến thức về định hướng nghề nghiệp. GS. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, do thiếu định hướng nghề nghiệp từ nhà trường nên sau khi tốt nghiệp, sinh viên không nắm bắt được chính xác nghề nghiệp và khả năng đáp ứng của bản thân đối với công việc mà DN cần.
Trên thực tế, công tác hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) đang thực hiện theo hình thức “khoán” cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt, ngoại khóa, chuyên đề nghề nghiệp với thời gian rất ngắn, thông tin rất cũ. Cách làm này khiến học sinh dù “bội thực” với các tư vấn mà vẫn “đói” thông tin mình cần.
Những bất cập này cũng từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thừa nhận, như: chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau THCS cho đến hết giáo dục trung học (sau lớp 12)… Đa số học sinh tốt nghiệp THCS đều tập trung vào luồng THPT. Điều này xảy ra tương tự với cấp THPT, khi sau tốt nghiệp, các em đều tập trung vào thi đại học, cao đẳng và trường nghề là lựa chọn cuối cùng.
PGS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng, tình trạng cử nhân ra trường không có việc làm phù hợp là sự lãng phí cả về thời gian, tiền bạc. Người học đề cao bản thân, không xác định đúng khả năng đáp ứng công việc, chạy theo bằng cấp là nguyên nhân chính dẫn đến thất nghiệp tràn lan hiện nay.
Còn theo GS. Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam), Việt Nam chưa có cơ chế phân luồng đúng nghĩa. “Chúng ta đang để học sinh thi cử tự do mà thiếu định hướng, trong khi các cơ sở đào tạo thì mở ra ồ ạt” - GS. Dong nhấn mạnh.
Điều đáng nói, mặc dù đã nhìn nhận ra những bất cập trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp nhưng thay vì đầu tư chiều sâu, chấn chỉnh công tác này, Bộ GD&ĐT lại rút ngắn thời gian thực hiện hoặc lồng ghép hoạt động này dưới nhiều hình thức... Một khi những nghịch lý trong hướng nghiệp vẫn tồn tại thì đào tạo khó gắn liền với nhu cầu của xã hội.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018