Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn “ì ạch”

(BKTO) - Sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vẫn giải ngân rất chậm, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, nhằm đảm bảo phát huy đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của gói tín dụng.

15.jpg
Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Ảnh minh họa

Tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 1%

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. Đây là gói tín dụng có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 5/2024, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số vốn khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tương ứng giải ngân khoảng 0,53%.

Việc chậm giải ngân gói tín dụng trên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết do có một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng; như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý I/2024, trên địa bàn cả nước có 13 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 16.008 căn.

Về điều kiện tín dụng, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: Không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (do dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); hoặc doanh nghiệp đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…

Về lãi suất và thời hạn hưởng lãi suất, Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5%/năm đối với người mua nhà vẫn là khá cao; đồng thời thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân), khiến gói tín dụng này chưa thực sự thu hút người vay.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các tiêu chí, điều kiện về đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 có nhiều quy định còn bất cập và quá chặt như điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập thuộc diện không chịu thuế thu nhập cá nhân…, khiến nhiều người dân không thể tiếp cận được gói tín dụng này.

Cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Theo các chuyên gia, việc triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mang lại rất nhiều tác động tích cực. Một mặt, gói tín dụng này là “trợ lực” góp phần bổ sung nguồn vốn, thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội phát triển, từ đó giúp giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản trên thị trường. Mặt khác, về phía người mua nhà, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc có cơ hội để sở hữu nhà ở, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính từ việc vay vốn… Với những ý nghĩa đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này đang là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.

15b.jpg
Tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn ở mức rất thấp. Ảnh minh họa

Đưa khuyến nghị về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, mức lãi suất cho vay của gói tín dụng vẫn khá cao đang là một rào cản lớn, do đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay, trong đó có lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng, để phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng người thu nhập thấp.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được tham gia xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, theo đó sẽ có nhiều đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đồng thời, Luật cũng có nhiều điểm tiến bộ, “gỡ khó” cho người dân khi mua nhà ở xã hội liên quan đến điều kiện cư trú, điều kiện về thu nhập để được mua nhà ở xã hội… Theo đó, cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi Luật để có thể triển khai hiệu quả các chính sách trên khi Luật được thực thi.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, cắt giảm các điều kiện để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải đáp ứng để được đưa vào danh mục các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn của địa phương. Đồng thời, lược bỏ các điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, giúp các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện vay vốn để tiếp cận với các ngân hàng.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương báo cáo làm rõ việc triển khai cho vay gói tín dụng; các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đề xuất giải pháp, kiến nghị, để Bộ có cơ sở đề ra hướng tháo gỡ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Liên quan đến việc triển khai gói tín dụng này, tại Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương./.

Cùng chuyên mục
  • Khắc phục bất cập chính sách đầu tư dự án PPP
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đa số các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia, nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.
  • Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải cách quản lý tài chính công
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và có bước tiến khá toàn diện trong việc tăng cường kỷ cương tài khóa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý tài chính công cũng như việc minh bạch tài khóa.
  • PC Quảng Ninh: Chủ động các giải pháp vận hành lưới điện an toàn trong mùa mưa bão
    2 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2024, sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường. Do vậy, để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục và ổn định, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
  • Minh bạch đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, làm rõ đối tượng không chịu thuế để bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện…
  • Vẫn nhức nhối nợ đọng xây dựng cơ bản
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) lớn, kéo dài chưa được giải quyết trong khi nợ mới tiếp tục phát sinh; việc phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) để thanh toán nợ đọng XDCB chưa đúng quy định… là những bất cập trong đầu tư công, gây ra nhiều hệ lụy. Đây cũng chính là vấn đề nhức nhối được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiều lần chỉ ra và kiến nghị chấn chỉnh song đến nay vẫn chậm chuyển biến…
Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn “ì ạch”