Vẫn nhức nhối nợ đọng xây dựng cơ bản

(BKTO) - Số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) lớn, kéo dài chưa được giải quyết trong khi nợ mới tiếp tục phát sinh; việc phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) để thanh toán nợ đọng XDCB chưa đúng quy định… là những bất cập trong đầu tư công, gây ra nhiều hệ lụy. Đây cũng chính là vấn đề nhức nhối được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiều lần chỉ ra và kiến nghị chấn chỉnh song đến nay vẫn chậm chuyển biến…

12.jpg
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm xử lý dứt điểm nợ XDCB. Ảnh minh họa

Dai dẳng nợ đọng xây dựng cơ bản

Nợ đọng XDCB không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng do bị chiếm dụng nguồn vốn. Vì vậy, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm xử lý dứt điểm nợ XDCB, nhất là từ khi có Luật Đầu tư công với các quy định chặt chẽ, cùng hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp xử lý vấn đề này. Đặc biệt, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng XDCB”, “Các bộ, ngành, địa phương để phát sinh nợ đọng từ ngày 01/01/2015 bị xử lý vi phạm theo các quy định tại Luật Đầu tư công”...

Tại Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng XDCB vốn NSNN; báo cáo Quốc hội việc xử lý số nợ đọng XDCB vốn NSNN tại thời điểm ngày 31/12/2022, số nợ phát sinh và dồn tích tại thời điểm ngày 31/12/2023 và ngày 31/12/2024. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán NSNN năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, kết quả kiểm toán của KTNN vẫn chỉ ra những bất cập trong xử lý nợ XDCB. Kết quả kiểm toán năm 2022 cho thấy, số nợ đọng XDCB nguồn NSNN tính đến cuối năm 2021 còn lớn; trong năm 2021, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn để phát sinh nợ đọng XDCB; số liệu theo dõi nợ XDCB chưa thống nhất, chưa kiên quyết thực hiện các giải pháp xử lý nợ đọng; chưa thanh toán dứt điểm nợ đọng XDCB (TP. Hải Phòng 692,9 tỷ đồng, Hà Tĩnh 335 tỷ đồng, Quảng Ninh 181,1 tỷ đồng, Quảng Bình 103,9 tỷ đồng, Phú Thọ 755,4 tỷ đồng, Hải Dương 148,5 tỷ đồng, Quảng Nam 485,9 tỷ đồng…). Ngoài ra, số liệu tổng hợp nợ đọng XDCB đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên Hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công (4.465 tỷ đồng) còn chênh lệch so với số liệu tổng hợp của KTNN tại 5 Bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).

Tình trạng nợ đọng XDCB tiếp diễn dai dẳng khi kết quả kiểm toán năm 2023 chỉ rõ, nhiều Bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng XDCB đến ngày 31/12/2022 còn lớn. Cá biệt như: Ninh Bình nợ 3.671,6 tỷ đồng, Thái Bình 3.204,38 tỷ đồng, Nam Định 1.582,3 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải 986,13 tỷ đồng, Bình Định 579,69 tỷ đồng, Quảng Nam 964,64 tỷ đồng, Thanh Hóa 754,78 tỷ đồng, Quảng Ngãi 332,49 tỷ đồng… Trong đó còn nợ đọng XDCB trước ngày 01/01/2015 số tiền 2.163,74 tỷ đồng (riêng Ninh Bình là 1.936,25 tỷ đồng).

Đáng chú ý, qua kiểm toán tại một số địa phương, KTNN phát hiện không ít trường hợp nợ đọng XDCB với giá trị lớn và tiếp tục phát sinh nợ đọng mới trong năm 2022 như: Thanh Hóa 385,79 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 116,06 tỷ đồng, Hà Tĩnh 468,37 tỷ đồng, Quảng Bình 106,12 tỷ đồng… Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm; đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp kiểm tra, rà soát số liệu nợ đọng XDCB của các Bộ, ngành, địa phương để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm theo quy định.

Cần xử lý rốt ráo

Đánh giá về các giải pháp của Chính phủ trong giải quyết tình trạng nợ đọng XDCB thời gian qua, KTNN cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn để xử lý nợ đọng XDCB trước năm 2015 trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, vẫn còn một số trường hợp nợ đọng phát sinh trước thời điểm ngày 01/01/2015, song chưa được bố trí kế hoạch vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thanh toán, nên vẫn chưa được xử lý triệt để, dẫn đến phải bố trí kế hoạch vốn thanh toán trong giai đoạn 2021-2025 để trả nợ đọng.

Đề nghị rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng XDCB, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng XDCB, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai

Dẫn số liệu báo cáo của KTNN, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đề nghị, phải đánh giá toàn diện đầy đủ về bức tranh nợ XDCB, hiện chưa có xu hướng giảm, lại xuất hiện nợ mới. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc thực hiện các giải pháp để giảm nợ đọng XDCB, song đại biểu đánh giá, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này. “Điều này có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong vấn đề phân bổ vốn đầu tư XDCB, đầu tư công” - đại biểu Mai nhấn mạnh, đồng thời cho rằng nếu không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới.

Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số nợ đọng XDCB ở Trung ương rất ít, nhưng ở địa phương nhiều, do khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí sót hoặc chưa bố trí vốn để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành hoặc có khối lượng. Do đó, các địa phương phải kiểm soát việc này. Mặt khác, có dự án thiếu thủ tục đầu tư nên ngân sách địa phương chưa bố trí kịp thời; chủ đầu tư hoàn thành khối lượng, lên phiếu giá công trình nhưng chưa gửi tới UBND các cấp xác định, nên không được bố trí vào kế hoạch vốn hằng năm. Vì thế, địa phương chưa có cơ sở cấp vốn cho chủ đầu tư và nợ XDCB phát sinh chủ yếu ở khâu này. “Đề nghị các địa phương và các chủ đầu tư rà soát lại các khoản này và bổ sung đầy đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm để thanh toán, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Thực tế, việc rà soát, cập nhật, bổ sung, chuẩn xác các thông tin số liệu liên quan đến các khoản nợ đọng XDCB, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của NSNN cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều Bộ, ngành, địa phương, bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Điển hình như năm 2023, Bộ Công Thương đã được KTNN “điểm tên” khi không theo dõi nợ đọng XDCB...

Với những bất cập, vi phạm trên, các chuyên gia cho rằng, những hệ lụy về tài chính để lại cho các đơn vị thi công bị nợ đọng là rất lớn. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - vấn đề nợ đọng trong XDCB là đáng báo động, nếu không được khắc phục thì ngày càng tràn lan. “Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài và gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, đối tượng chịu tác động lớn của nợ đọng XDCB chính người lao động tại các doanh nghiệp” - ông Hiệp trăn trở.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có khối lượng nợ đọng XDCB lớn, kéo dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần chấn chỉnh tình trạng đầu tư vượt khả năng bố trí vốn, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang được phân cấp, giao quyền nhiều hơn trong đầu tư XDCB. Bởi, việc xử lý dứt điểm vấn nạn nợ đọng XDCB còn thể hiện sự sòng phẳng của chủ đầu tư nhà nước đối với những doanh nghiệp, nhà thầu, tránh gây ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp chân chính đối với hoạt động đầu tư công./.

Cùng chuyên mục
Vẫn nhức nhối nợ đọng xây dựng cơ bản