Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải cách quản lý tài chính công

(BKTO) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và có bước tiến khá toàn diện trong việc tăng cường kỷ cương tài khóa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý tài chính công cũng như việc minh bạch tài khóa.

13.jpg
Hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Ảnh minh họa

Nhiều cải cách về hệ thống quản lý tài chính công

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, Việt Nam đã thực hiện Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính cấp quốc gia (PEFA) lần đầu tiên vào năm 2011 và công bố vào tháng 7/2013. PEFA là khung đo lường hiệu quả hoạt động để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống quản lý tài chính công, hỗ trợ quốc gia phát triển bền vững. Mục đích của việc đánh giá PEFA là đem lại góc nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động của các hệ thống quản lý tài chính công quốc gia, gồm thu - chi; đấu thầu, tài sản tài chính, tài sản nợ. Cùng với đó là đánh giá phân bổ nguồn lực theo chiến lược; cung cấp hiệu suất hoạt động của dịch vụ công… Các mục tiêu này đều gắn với quy trình tài chính công với 7 trụ cột. Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đánh giá PEFA lặp lại từ tháng 11/2020.

Hơn 10 năm qua, hoạt động cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là về cải cách thể chế với việc ban hành đồng bộ hệ thống văn bản quản lý tài chính công; quy trình quản lý tài chính công ngày càng công khai, minh bạch; cơ sở dữ liệu, thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) cũng kịp thời và đầy đủ hơn. Gần 3 năm trở lại đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức PEFA để đánh giá trên 7 trụ cột: Độ tin cậy của ngân sách; Minh bạch về tài chính công; Quản lý tài sản có và tài sản nợ; Lập ngân sách và chiến lược tài khóa dựa trên chính sách; Khả năng tiên liệu và kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách; Kế toán và báo cáo; Kiểm toán và giám sát dựa trên 31 chỉ số và 94 nội dung đánh giá thực hiện đối chiếu với khung đánh giá PEFA. Trong 31 chỉ số đánh giá PEFA, Việt Nam đạt 4 điểm A, 8 điểm B và B+, 8 điểm C+; 11 điểm D và D+. So với các quốc gia trong khu vực tham gia đánh giá theo khung của PEFA năm 2016 thì Việt Nam đã có điểm A và điểm B+ ở mức cao (11/31) chỉ số, xếp sau Mông Cổ, Indonesia, Philippines và xếp trước Myanmar, Campuchia, Đông Timor và Lào.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, kết quả trên cho thấy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý tài chính công và có bước tiến khá toàn diện trong việc tăng cường kỷ cương tài khóa. Nhờ đó, giảm được nợ công, quản lý ngân sách được cải thiện do có thông tin tốt hơn về cam kết chi, minh bạch ngân sách được tăng cường bởi việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài khóa. Phạm vi ngân sách được xác định một cách toàn diện, đầy đủ theo thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách theo các công cụ quản lý tài chính công hiện đại...

Bà Alma Kanani - Giám đốc Khối quản trị, khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới - nhận định: Thể chế và các hệ thống quản lý tài chính công đã giúp Chính phủ Việt Nam đạt kỷ luật tài chính lành mạnh. Điểm số OBI (chỉ số công khai ngân sách) tăng 6 điểm, đạt vị trí 14/100 vào năm 2021, đưa Việt Nam xếp hạng 68/120 quốc gia là một kết quả tốt; hệ thống thông tin quản lý kho bạc và ngân sách đã tạo ra những dữ liệu tài chính và báo cáo thông tin tài chính có tính chất minh bạch và độ tin cậy hơn. Việc thực hiện ngân sách được kiểm soát chặt chẽ với phần lớn các khoản chi được cam kết và thẩm tra trước khi thanh toán...

Tiếp tục minh bạch tài chính công

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo PEFA cũng chỉ ra những điểm yếu trong công tác quản lý tài chính công hiện nay, đó là thu - chi ngoài ngân sách Trung ương còn ở mức cao; công tác theo dõi rủi ro tài khóa trong khu vực công còn yếu, nhất là liên quan đến các nghĩa vụ dự phòng và hợp tác công tư, kế hoạch tài chính trung hạn chưa thực sự tạo ra gắn kết giữa chính sách, kế hoạch và ngân sách; dự toán ngân sách được phân bổ và giao cho các đơn vị chi tiêu còn dựa trên dòng mục hoặc nhiệm vụ chi, chưa hỗ trợ so sánh về đầu ra kết quả thực hiện nhiệm vụ với nguồn lực nhận.

Liên quan đến báo cáo cáo tài khoá và tính minh bạch tài khoá, bà Alma Kanani cho rằng, vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục cải thiện. Bà Alma Kanani cũng khuyến nghị, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc xây dựng hệ thống quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch vô cùng quan trọng vì đó chính là xương sống cho sự phát triển bền vững, ổn định kinh tế và công bằng xã hội. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường khung pháp lý và thể chế tài quản lý tài chính công, trong đó có việc cập nhật và hoàn thiện các quy định hiện hành để phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất. “Con đường dẫn tới hệ thống quản lý tài chính công vững mạnh sẽ được mở ra bằng việc thực hiện cải cách, tận dụng công nghệ và tăng cường tính minh bạch. Cũng nhờ đó, Việt Nam có thể xây dựng hệ thống quản lý tài chính công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi cho người dân” - bà Alma Kanani nói.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - cho biết, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế trong quản lý tài chính công. Đối với việc minh bạch tài chính công, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi hệ thống phân loại ngân sách, đảm bảo tính nhất quán với các chuẩn mực quốc tế trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách; tăng cường mức độ toàn diện của thông tin trong văn bản ngân sách hằng năm; minh bạch các khoản chi - thu ngoài quyết toán NSNN; cung cấp kịp thời thông tin về hiệu quả cung cấp dịch vụ tại các báo cáo dự toán, quyết toán ngân sách và tài liệu bổ trợ kèm theo; tạo cơ hội hơn nữa cho công chúng trong tiếp cận thông tin ngân sách, rút ngắn thời gian công bố các báo cáo ngân sách, đặc biệt là, báo cáo quyết toán NSNN cần được Kiểm toán nhà nước kiểm toán và công bố trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc năm tài khóa./.

Cùng chuyên mục
  • Khắc phục bất cập chính sách đầu tư dự án PPP
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đa số các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia, nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.
  • PC Quảng Ninh: Chủ động các giải pháp vận hành lưới điện an toàn trong mùa mưa bão
    2 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2024, sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường. Do vậy, để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục và ổn định, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
  • Minh bạch đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, làm rõ đối tượng không chịu thuế để bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện…
  • Vẫn nhức nhối nợ đọng xây dựng cơ bản
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) lớn, kéo dài chưa được giải quyết trong khi nợ mới tiếp tục phát sinh; việc phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) để thanh toán nợ đọng XDCB chưa đúng quy định… là những bất cập trong đầu tư công, gây ra nhiều hệ lụy. Đây cũng chính là vấn đề nhức nhối được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiều lần chỉ ra và kiến nghị chấn chỉnh song đến nay vẫn chậm chuyển biến…
  • Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết hợp tác bảo đảm ổn định tài chính
    2 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 25/6, các Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng” về sự mất giá mạnh của đồng yen và đồng won, đồng thời cam kết sẽ phản ứng nhanh chóng bằng các biện pháp chính sách thích hợp nhằm chống lại biến động quá mức của tỷ giá hối đoái.
Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải cách quản lý tài chính công