Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: chinhphu.vn |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 mới đây.
Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến ngày 30/9 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân cố hữu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu…
Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu, những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Cần Thơ cùng lãnh đạo nhiều địa phương khác đều ủng hộ việc tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hiện luật mới cho phép áp dụng với một số dự án lớn.
Nhiều địa phương ủng hộ rất cao quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, có một số tuyến đường triển khai rất chậm do theo quy định hiện hành, chuyển đổi 10 ha đất lúa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng mạnh dạn phân cấp cho tỉnh thẩm định các dự án nhóm A, dự án cấp 1.
Box: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4 Bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%. 76/114 ban, Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.
Lãnh đạo các địa phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Gấp rút giải ngân 50% vốn đầu tư công
Phê bình nghiêm khắc các Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương này kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Thủ tướng nêu rõ: Từ nay đến cuối năm, còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được. Nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng quán triệt các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Các Bộ, ngành, địa phương giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mỗi cá nhân, tập thể nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là tinh thần tự lực tự cường, coi khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, khắc phục các hạn chế, bất cập.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số giải pháp: Kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công.
Việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước có hạn, đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp được thống nhất tại Hội nghị trên cơ sở quy định của luật pháp và các nghị quyết của Chính phủ, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cần tham mưu tổ chức tốt việc này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính. Hệ thống hội nghị trực tuyến được kết nối tới cấp cơ sở trên toàn quốc. Các địa phương, Bộ, ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn.
Trong số nhiều văn bản cần sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng lưu ý Bộ Tư pháp thẩm định ngay trong tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài, không để tồn đọng hồ sơ, xử lý kịp thời các vướng mắc về thanh quyết toán.
Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tiến độ giải ngân hằng tháng của các Bộ, cơ quan, địa phương trên Cổng Thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng để khen chê kịp thời, thông tin minh bạch, rõ ràng./.