Giải pháp căn cơ cho bài toán ùn ứ hàng hóa

(BKTO) – Cùng với vấn đề đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá xăng dầu, tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.



Theo đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), hàng năm, đến hẹn lại lên, nông sản của chúng ta vẫn ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc và hoạt động giải cứu lại diễn ra. Vấn đề được đặt ra từ rất lâu rồi là để giải quyết căn cơ tình trạng này là phải xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. “Trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu trong sự chậm trễ này? Bộ trưởng cho biết khi nào thì vấn đề được giải quyết?” - đại biểu chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng hàng hóa ùn ứ xảy ra là do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, hàng hóa nông sản của Việt Nam bán qua biên giới chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch trong khi sản phẩm xuất sang chủ yếu là sản xuất không theo quy hoạch và không đạt tiêu chuẩn nên bị ùn tắc.                
   

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   

Về giải pháp cho vấn đề này, thời gian qua, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ có chỉ đạo thống nhất quan điểm là trao đổi với đối tác Trung Quốc để xây dựng một quy trình thông quan, trước hết là thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hóa ở biên giới; thống nhất quy trình để giao nhận hàng hóa ở biên giới cho thuận lợi. Đồng thời chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu phải hỗ trợ đối với các chủ hàng, các phương tiện vận tải; có thông tin thường xuyên đối với vùng trồng, vùng nuôi, với những địa phương có những sản phẩm để có sự hợp tác khi cửa khẩu phía bạn không mở; không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu.

Bộ cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử, chỉ đạo các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước mở rộng các thị trường.

Về giải pháp lâu dài để giải bài toán này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trước hết các địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu để chỉ đạo quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi; bám sát nhu cầu của thị trường để xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường.

Gần đây, Bộ Công thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, các DN sản xuất nông sản thực phẩm để các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài hướng dẫn về quy cách hàng hóa, về tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương. Đây cũng là cách để chúng ta chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, đầu tuần trước Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu qua biên giới theo kiểu chính ngạch, trong đó có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hóa. Khi đề án được thông qua sẽ là cơ sở để triển khai xuống các địa phương; đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng triển khai tốt vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn.

Về giải pháp để nâng cao năng lực xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài nói chung, Bộ trưởng cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, với đúng nghĩa là chúng ta hội nhập kinh tế thế giới thì sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường. “Làm kinh tế thị trường thì người sản xuất phải trả lời được câu hỏi ngay từ đầu là làm gì, để bán ở đâu, cho ai? Còn bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, tập quán, tức là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, thì rất khó” - Bộ trưởng bày tỏ.

Giải pháp khác được Bộ trưởng đề cập là phải nâng năng lực của DN Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, từ đó nâng cao nội lực của nền kinh tế, có như vậy hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta mới có ý nghĩa.
ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
Giải pháp căn cơ cho bài toán ùn ứ hàng hóa