Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển

(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết 159/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2022.

2.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP

Cần thiết xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh phân công, phân cấp và xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển, giữa các vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền con người vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết kỹ lưỡng việc thực hiện Luật di sản văn hóa hiện hành, đánh giá cụ thể những vướng mắc, bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan và cơ sở thực tiễn của các quy định cần sửa đổi, xác định rõ phạm vi điều chỉnh cần bao quát của dự án Luật…

Nghiên cứu, xác định những chính sách cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc, toàn diện đổi với từng chính sách, bảo đảm nội dung đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phů).

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung chính sách về phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản văn hóa theo hướng các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương có trách nhiệm ban hành thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, phân bổ nguồn lực và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng... làm cơ sở cho các cơ quan địa phương quản lý di sản văn hóa đúng quy định, vừa phát huy giá trị của di sản văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường nguồn lực tài chính cho địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.

Đánh giá tác động rõ hơn về sự cần thiết của việc xây dựng “Bảo tàng số”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghiên cứu cơ chế đầu tư phù hợp để khuyến khích đầu tư tư nhân hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững; đánh giá tác động rõ hơn về sự cần thiết của việc xây dựng “Bảo tàng số”, làm rõ phương thức đầu tư cho bảo tàng là từ nguồn vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước hoặc thực hiện xã hội hóa.

Làm rõ sự cần thiết, tính khả thi khi quy định thành lập Quỹ di sản văn hóa trong Luật nhằm bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, theo đó Chính phủ đang rà soát, sắp xếp lại các Quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp.

Phân tích, làm rõ sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc chính sách ưu đãi thuế trong dự án Luật theo hướng hạn chế việc sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành, mà thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế; rà soát các chính sách về phí, lệ phí để tăng nguồn lực phát triển di sản văn hóa cho các địa phương, cơ sở.

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 theo quy định.

Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về “hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường”, trong đó việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, tương thích với sự thay đổi của hệ thống pháp luật trong nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP) mà Việt Nam đã ký kết là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cần đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực ở nước ta; tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, chỉnh lý về tên gọi, phạm vi và nội dung chính sách phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy hội nhập quốc tế và triển khai các cam kết quốc tế. Đồng thời, bổ sung giải pháp nhằm tăng cường minh bạch và đổi mới quy trình xây dựng, ban hành, công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia và địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn các giải pháp chính sách trong mối quan hệ của Luật này với Luật Tiếp cận thông tin và các luật có liên quan về: đối tượng, cơ quan có thẩm quyền, hình thức, nội dung thông tin để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đẩy nhanh việc số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý lĩnh vực này để phù hợp với chủ trương tiếp cận nền kinh tế số để kết nối dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, khả thi và đồng bộ…/.

Cùng chuyên mục
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển