Xử lý tài sản bảo đảm qua tòa án - ách tắc vì pháp lý
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án cho 76 tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Năm 2022, cơ quan thi hành án phải thi hành 37.058 việc, tương ứng với số tiền trên 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống).
Tuy nhiên, đến nay, cơ quan thi hành án mới hoàn thành xong 6.215 việc, đạt 27,66% trên số việc có điều kiện thi hành án. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc, tương ứng với số tiền xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).
Trên thực tế, tại các ngân hàng, khối lượng việc phải xử lý qua tòa án còn tồn đọng lớn. Điển hình, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lũy kế đến hết quý III/2022, toàn hệ thống ngân hàng có 3.291 vụ việc trong giai đoạn thi hành án, với số tiền yêu cầu thi hành là 24.139 tỷ đồng.
Hay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), hiện nay, số vụ việc trong hệ thống đang được các cơ quan THADS địa phương thụ lý tổ chức thi hành còn tồn đọng trên 1.300 vụ việc, với tổng số tiền phải thu là trên 5.400 tỷ đồng.
Bên cạnh sự bất hợp tác của chủ tài sản trong quá trình thi hành án, một số cơ quan thi hành án chưa thực sự quyết liệt... đại diện các ngân hàng và nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến việc xử lý TSBĐ qua tòa án bị ách tắc là do quy định pháp luật liên quan chưa đồng bộ và thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS, đơn yêu cầu phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Quy định này bắt buộc người yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Tuy nhiên, trên thực tế, những người được thi hành án khó có thể tự xác minh điều kiện của người phải thi hành án. Bởi lẽ, bản thân họ không có chuyên môn nghiệp vụ để thu thập xác minh tài sản của người phải thi hành án, đây là một trong những khó khăn đòi hỏi cơ quan chức năng cần xem xét, có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
Cũng liên quan đến điều kiện thi hành án, theo quy định tại Điều 44 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung), trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì Chấp hành viên phải xác minh từ 6 tháng một lần hoặc ít nhất 1 năm một lần. Thời gian như vậy là quá lâu, việc chậm xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản, gây thiệt hại cho người được thi hành án.
Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thi hành án
Từ phân tích trên, ông Long đề nghị xem xét rút ngắn thời gian tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp chưa có điều kiện thi hành án, tránh việc bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản trong thời gian này, gây kéo dài thời gian thi hành án.
Để công tác xử lý TSBĐ thông qua thi hành án dân sự của các TCTD trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, đại diện Agribank cũng đề nghị, Tổng cục Thi hành án có quy trình thủ tục riêng đối với thi hành án tín dụng, ngân hàng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, đảm bảo rút ngắn thời gian thi hành án, đẩy nhanh thủ tục kê biên TSBĐ.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kiến nghị với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu giá tài sản, thi hành án và sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn.
Việc rà soát, sửa đổi này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá trong thi hành án dân sự, hướng dẫn và khuyến khích các cơ quan thi hành án dân sự áp dụng đấu giá theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, đảm bảo quyền lợi của cả người được thi hành án và người phải thi hành án.
Theo đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng cục THADS cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan THADS tại địa phương không thực hiện việc thu án phí của người phải thi hành án từ số tiền xử lý tài sản khi TCTD chưa thu hồi đủ khoản nợ xấu.
Góp ý cho Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật các TCTD mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB) đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quy định rõ về phương án xử lý các trường hợp TSBĐ là bất động sản trên thực tế có khác biệt so với giấy chứng nhận quyền sở hữu (diện tích/kích thước lớn hơn diện tích, kích thước trên giấy chứng nhận; TSBĐ bị chồng lấn với tài sản của bên khác, tài sản có diện tích sai khác với số đỏ vì bị chồng lấn ra đất công/đất lưu không…).
TCB cho rằng quy định như trên sẽ gúp tòa án nâng cao trách nhiệm xem xét, thẩm định kỹ TSBĐ và tuyên bản án phù hợp với thực tế TSBĐ, đảm bảo tính khả thi khi thi hành án. Tiếp thu đề nghị này, NHNN cho biết sẽ nghiên cứu ý kiến của TCB trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi)./.