Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Qua gần 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn.
Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức, thông tin về tài nguyên nước và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi.
Đồng thời, Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của một số tỉnh, thành phố, đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, đặc biệt là các chính sách trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo TS.Nguyễn Khắc Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại của Luật hiện hành và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước.
Điểm mới trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi là đảm bảo an ninh nguồn nước, coi tài nguyên nước là tài sản công và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất, toàn diện và phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hoá, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch.
Đồng thời huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị chú trọng vào việc huy động nguồn lực; trong đó, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biển đổi khí hậu.
Đồng thời, cần sử dụng vốn đầu tư công mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút lan tỏa vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư; thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước, công trình đảm bảo an sinh xã hội.
Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được Ban Công tác đại biểu tổng hợp để đóng góp, góp ý hiệu quả cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi được Quốc hội xem xét trong năm 2023./.