Chi tiêu chưa hợp lý
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN ngày 31/10, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh những thách thức trong chi NSNN là giao vốn, giải ngân chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Đại biểu cho rằng, nhìn dòng tiền, nhìn hiệu quả đầu tư và kết quả cân đối NSNN còn nhiều điều đáng lo. Chỉ số ICOR cao chứng tỏ hiệu quả đầu tư còn thấp, nguồn thu rất vất vả nhưng chỉ đủ cho chi thường xuyên, không còn nguồn để chi đầu tư phát triển và trả nợ. Nợ công còn cao, cơ cấu nợ chưa hợp lý, sức ép trả nợ lớn, đặc biệt vay chủ yếu để đáo nợ sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng thẳng thắn nhận xét, báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình NSNN và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới 64%. Trong năm nay, khi số thu NSNN dự kiến sẽ vượt khoảng 23.000 tỷ đồng thì số chi dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. “Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công? Với tư duy thu - chi như vậy bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức an toàn, chúng ta còn bao nhiêu đất đai để có thể mang lại nguồn thu và liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức hay bán tài sản của các DNNN để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu? Tất cả những câu hỏi này cho thấy vấn đề cân đối NSNN và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách” - đại biểu Lộc nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) kiến nghị, phải cân nhắc khoản chi không thường xuyên, tăng thu, tiết kiệm chi, phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA.
Sốt ruột trước những tồn tại trong đầu tư công, đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây lãng phí nguồn vốn huy động trái phiếu chính phủ, cũng như hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) kiến nghị, cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Đây là những điều nhân dân rất quan tâm và cũng là yếu tố phát triển bền vững. Vốn đầu tư công năm 2017 phân bổ rất chậm, cuối năm vốn còn rất lớn chưa được triển khai, thời gian còn lại 2 tháng và sức ép về giải ngân rất dễ tạo ra cách làm đối phó, làm cho xong thủ tục để không bị cắt giảm vốn.
Chống thất thu đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu
Trong khi nguồn NSNN hạn hẹp thì tình trạng thất thu thuế, nợ đọng thuế còn lớn cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại.
Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nêu thực tế, thuế là nguồn thu quan trọng nhất của quốc gia, nhưng thời gian qua trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại xảy ra ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Không ít DN lợi dụng hoàn thuế của Nhà nước để trục lợi, nhiều hộ kinh doanh khai thuế không trung thực, không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ để trốn thuế. Chính sách cho DN tự in hóa đơn còn nhiều kẽ hở, chưa kiểm soát chặt chẽ số lượng hóa đơn do DN tự in và sử dụng. Tình trạng buôn bán hóa đơn xảy ra ở không ít DN, hộ kinh doanh. “Thực trạng trên đã làm thất thu nguồn thuế rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần rà soát khắc phục các kẽ hở trong các quy định chính sách, pháp luật về thuế. Cần chủ động, tăng cường hơn nữa việc chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu toàn diện vào NSNN. Mặt khác, cần tập trung xử lý thu hồi các khoản nợ đọng thuế”- đại biểu đề nghị.
Đi đôi với việc chống thất thu thuế, đại biểu Trần Công Thuật và nhiều đại biểu khác cho rằng, Nhà nước cần tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý thuế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng nguồn thu "khỏe" và ổn định lâu dài. Đồng thời, tạo điều kiện, giúp đỡ các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần vào nguồn thu NSNN.
Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với giải pháp tăng thuế để tăng nguồn thu. Đại biểu Nguyễn Minh Chuẩn (TP. HCM) phân tích, dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao, song kết quả thu NSNN không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra. Vậy, phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí hiện hành thay cho việc tận thu sang nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, nguồn thu năm 2018 cũng phải cân nhắc cho hợp lý, nếu dự kiến tăng Thuế Giá trị gia tăng và tăng Thuế Thu nhập DN là chưa thuyết phục, dễ bị xã hội phản ứng.
Bên cạnh việc nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nội lực của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thu hút đầu tư FDI cần quan tâm để tránh tình trạng DN FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thoát trong thu NSNN.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017