Giải quyết vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(BKTO) - Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội vừa làm việc với một số địa phương về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Kết quả giám sát bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực trong thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) song cũng chỉ ra không ít bất cập, hạn chế làm lãng phí nguồn lực công…



Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: daibieunhandan.vn

Nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài gây lãng phí

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề, cuộc giám sát nhằm xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Với tinh thần đó, Đoàn giám sát tập trung giám sát việc ban hành văn bản theo thẩm quyền của địa phương; việc thực hiện các nội dung về THTK, CLP; những kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện pháp luật và các giải pháp giải quyết vướng mắc, nâng cao hiệu quả THTK, CLP trên địa bàn; đồng thời xem xét việc thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra, kiểm toán.

Kết quả giám sát bước đầu tại một số địa phương cho thấy, giai đoạn 2016-2021, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các địa phương tổ chức thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước; trong đó đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng từ cắt giảm bình quân 10% chi thường xuyên và kinh phí hội họp, đi công tác… Tuy nhiên, tình trạng dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm; bất cập, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai… là những vấn đề nổi cộm qua thực tế giám sát.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, một số nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án, không đảm bảo tiến độ đã cam kết, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích… vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh rà soát và làm rõ số lượng diện tích dự án phải thu hồi, nguyên nhân, trách nhiệm đối với vấn đề này… Bên cạnh đó, thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc tỉnh xây dựng dự toán thu, chi không sát với thực tế nên số vượt thu tăng cao, số chuyển nguồn còn lớn, là tiền đề dẫn đến thất thoát nguồn thu, lãng phí vốn đầu tư.

Tương tự, giám sát tại tỉnh Bắc Giang, Đoàn giám sát nêu, tỉnh đang có 24 dự án chậm đầu tư, chưa đưa vào sử dụng hơn 78ha đất. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết thu hồi các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích; xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Đặc biệt, việc đầu tư các công trình nước sạch còn lãng phí, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều công trình không hoạt động.

Tại TP. Đà Nẵng, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai THTK, CLP của địa phương còn nhiều hạn chế, để xảy ra vi phạm, đặc biệt về đất đai. Nhiều dự án tồn đọng kéo dài hàng chục năm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh; nhiều dự án đầu tư công, dự án chuyển tiếp chậm tiến độ; các dự án tái định cư có nguy cơ gây lãng phí lớn về nguồn lực… Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thừa nhận, lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Luật Đất đai năm 2013 có quy định chủ đầu tư 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ triển khai dự án 24 tháng thì sẽ phải thu hồi. Tuy nhiên, đặc thù của Đà Nẵng trước đây là giao đất, cho thuê đất trước, sau đó chủ đầu tư mới triển khai thủ tục xin phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, dẫn đến không có cơ sở kiểm tra tiến độ sử dụng đất…

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp khắc phục ngay

Theo phản ánh của một số địa phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trên là do vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đơn cử, theo đại diện UBND TP. Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bản án liên quan đến đất đai tại Đà Nẵng, có nhiều nội dung chưa thực hiện do vấn đề phát sinh từ thực tiễn, vướng các quy định pháp luật, một số nội dung xuất phát từ lỗi của các cơ quan nhà nước nên cần cân nhắc lợi ích của nhà đầu tư khi thực hiện các kết luận thanh tra.

Từ thực tiễn kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm THTK, CLP. Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo theo lộ trình… Việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm, dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý còn thiếu đồng bộ, trái với quy định quản lý cấp trên hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở trong quản lý tài chính công, tài sản công như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, dự án BT, BOT… Trong khi đó, việc chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, tình trạng không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý tài chính, kế toán còn diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán.

Qua làm việc với các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh quan điểm, giám sát là phải đi đến cùng sự việc, phải chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi Quốc hội ra nghị quyết về chuyên đề giám sát.

Chia sẻ khó khăn với các địa phương trong THTK, CLP, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có những vướng mắc, bất cập từ thể chế, chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các địa phương cần chỉ rõ các vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cụ thể, rõ ràng việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để THTK, CLP một cách thực chất, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cũng cần nhìn nhận rõ trách nhiệm trong công tác tổ chức thực hiện, những vướng mắc, bất cập trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm… không thể đổ hết lỗi do cơ chế./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Giải quyết vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí