Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ đã suy thoái hai quý liên tiếp và kinh tế EU nói chung, khu vực EURO nói riêng cũng đối mặt với nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, về lý thuyết, xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường hàng đầu này chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí suy giảm do người tiêu dùng tại Mỹ và EU thắt chặt tiêu dùng để đối phó với lạm phát, trong khi VND lại hầu như không mất giá nhiều so với USD lẫn EURO. Tính đến ngày 25/7/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đã lên đến 106,9 điểm, tăng 3,04 điểm so với tháng 6/2022, nhưng chỉ số giá USD ở Việt Nam bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ tăng có 0,08%. Tuy nhiên, thực tế lại cho chúng ta câu trả lời khác.
Tháng 01/2022, xuất khẩu sang Mỹ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 còn sang EU không những không tăng mà còn giảm nhẹ 0,5% với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 9 tỷ USD và 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên đến hết quý I/2022, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25,2 tỷ USD thì xuất khẩu sang EU lại bứt phá ngoạn mục với các con số tương ứng lần lượt là 15,4% và 11,1 tỷ USD. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm thậm chí còn tích cực bội phần khi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tới 22,5% và sang EU cũng tăng tới 21,6% so với cùng kỳ năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu tương ứng lên 55,9 tỷ USD và 23,6 tỷ USD. Đặc biệt, sau 7 tháng năm 2022 với những khó khăn chồng chất bởi lạm phát và suy thoái kinh tế, nhưng Mỹ và EU vẫn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 24,3% và 22%. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và EU tăng càng có ý nghĩa hơn nữa khi chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 8,03% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 9,44%; nhóm nhiên liệu tăng 66,27%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 6,04%). Rõ ràng, bất chấp tác động tiêu cực của lạm phát, biến động tỷ giá hối đoái và suy thoái kinh tế, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vẫn được chào đón cả ở Mỹ lẫn EU. Nguyên nhân cơ bản là do phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và EU đều thuộc nhóm thiết yếu, vừa có nhu cầu ít co giãn với giá cả vừa phù hợp với thị hiếu của tuyệt đại bộ phận người tiêu dùng Mỹ và EU. Bên cạnh đó, thành tích xuất khẩu khả quan sang thị trường Mỹ và EU còn là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam trong việc biến những lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thành hiện thực.
Ở chiều ngược lại, cho dù USD lên giá hay EURO giảm giá thì sau 7 tháng năm 2022, xuất khẩu sang Việt Nam của Mỹ và EU đều giảm, trong đó xuất khẩu của Mỹ giảm nhẹ 0,7% còn của EU giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác thương mại hàng đầu còn lại đều tăng, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 23,9% còn từ Trung Quốc và ASEAN tăng gần 15% và ngay cả từ Nhật Bản cũng tăng tới 11%. Đáng chú ý là ngay từ tháng 01/2022, nhập khẩu từ Mỹ đã giảm sâu tới 7,4% trong khi từ EU vẫn tăng tới 9,7%. Tuy nhiên, đến hết quý I/2022, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam vẫn giảm 3% còn của EU chỉ tăng 2,7% và cùng giảm sau 4 tháng đầu năm 2022. Nếu nhập khẩu từ Mỹ sụt giảm liên tục so với cùng kỳ do tác động của cả hai yếu tố lạm phát cao và USD lên giá ngay từ đầu năm 2022, thì diễn biến nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam từ EU cho thấy yếu tố lạm phát đang lấn át yếu tố mất giá của EURO từ quý II/2022.
Tóm lại, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và EU chịu tác động bởi cả 3 yếu tố chủ chốt là lạm phát, biến động tỷ giá hối đoái và suy thoái kinh tế, song xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và EU đều rất khả quan hay ít nhất là chưa chịu tác động tiêu cực theo như lý thuyết. Bên cạnh đó, lý thuyết cũng chưa đủ căn cứ để giải thích diễn biến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ và EU trong thời gian qua. Phát triển và vận dụng sáng tạo lý thuyết kinh tế trong điều kiện thực tế không chỉ hữu ích đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách./.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH