Giảm lượng tiêu thụ thuốc lá: Biện pháp hữu hiệu là tăng giá và thuế

(BKTO) – Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tăng giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.

qcanh-ht-thuoc-la.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Anh

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 36,5 lần sau 5 năm

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: Điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Mức độ giảm tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam còn chậm, năm 2020 chỉ giảm 0,8% so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015).

Năm 2020, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).

Tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%. Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả 2 giới và tăng lần lượt trong 2 nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là học sinh, sinh viên, giới trẻ.

Cụ thể, tỷ lệ người đã từng hút thuốc lá điện tử là 1,1% và có 0,2% người hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó, tỷ lệ hút ở nam giới và nữ giới lần lượt là 0,4% và 0,1% (kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015).

Tỷ lệ thanh thiếu niên 15 - 24 tuổi ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao, với 7,3%. Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử ở độ tuổi 18 - 24 (nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020).

thuoc-la-lay.jpg
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế và truyền thông. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thuốc lá mới đang được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay. Các sản phẩm này đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng Facebook, Instagram, Tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội, zalo cá nhân…

Tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ 

Ông Đào Thế Sơn - Trường Đại học Thương mại - cũng chia sẻ với nhận định của Bộ Y tế về số người hút thuốc lá của Việt Nam còn cao và bổ sung: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030 nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả (gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm). Ước tính người dân cũng bỏ ra đến 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá.

Theo ông Sơn, giá thuốc lá ở Việt Nam nằm trong nhóm rẻ nhất (< 1 USD/1 bao). Việt Nam có lộ trình tăng thuế thuốc lá chậm. Các mức tăng thuế cũng không đủ lớn. Việc tăng thuế này chỉ làm tăng giá bán lẻ 200-500 đồng/1 bao thuốc lá. Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm (2010-2020). Từ ngày 01/01/2019 đến nay, thuế thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng, tương đương 38,8% giá bán lẻ…

Ông Sơn dẫn thông tin Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO hướng dẫn các biện pháp giảm cầu thuốc lá: Giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với các thay đổi về giá…

son-dhtm.jpg
Ông Đào Thế Sơn - Trường Đại học Thương mại - cho biết: Tỷ lệ thuế thuốc lá nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ các loại thuốc lá thay vì mức 38,8% giá bán lẻ như hiện nay. Ảnh: Thùy Anh.

Từ đó, ông Sơn khuyến nghị, chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng; góp phần nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật/tử vong và chi phí y tế.

Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ lớn; sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại.

Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ thuế thuốc lá nên đạt tối thiểu  75% giá bán lẻ các loại thuốc lá.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam - cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với một số quyết định quan trọng là làm thế nào để bảo vệ người dân của mình tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ tuổi khỏi tác hại của thuốc lá. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá. 

Theo báo cáo năm 2021 về chỉ số thuế thuốc lá của Liên minh Phòng chống thuốc lá Đông Nam Á, giá thuốc lá tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người. Chỉ số giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc gia đầu người - RIP giảm từ 11,4% năm 2000 xuống còn 3,04% năm 2019. Điều này có nghĩa là thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập của người dân và sức mua thuốc lá gia tăng.

Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước - đại diện WHO khuyến cáo./.

Cùng chuyên mục
Giảm lượng tiêu thụ thuốc lá: Biện pháp hữu hiệu là tăng giá và thuế