Giảm nguồn thu, thiếu kinh phí, báo chí cần được Nhà nước hỗ trợ thêm

(BKTO) - Báo chí đang đứng trước bộn bề khó khăn khi nguồn thu sụt giảm, thiếu kinh phí để đầu tư công nghệ và đẩy mạnh truyền thông. Để hỗ trợ báo chí thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ truyền thông chính sách, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về “mũ” chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.

15-moi.jpg
Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ để các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Ảnh: TTXVN

Mỗi năm đầu tư cho báo chí chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các cơ quan báo chí và đài phát thanh truyền hình chưa tự chủ tài chính đã được chính quyền các cấp bố trí ngân sách. Chi ngân sách thường xuyên cho báo, đài chiếm khoảng 0,5% tổng chi thường xuyên và bằng khoảng 60% nguồn thu của báo, đài. Tuy nhiên, những báo, đài lớn tự chủ tài chính thì không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo, đài này dựa trên thị trường 100% và dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường. Nếu gộp cả báo, đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì NSNN chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo, đài, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ.

Vấn đề hiện nay là 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới, báo chí của nước ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, vì thế, cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trước đây, chúng ta quan niệm làm báo chỉ cần cây bút, tờ giấy, do vậy, không cần đầu tư nhiều cho các cơ quan báo chí, có chăng chỉ đầu tư trụ sở. Nhưng điều này không còn đúng nữa. Bây giờ không có công nghệ là không thể làm báo. Làm truyền hình còn cần đầu tư công nghệ nhiều hơn nữa. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là báo chí không thể giữ được người đọc, là mất báo chí cách mạng. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất tới lĩnh vực truyền thông, nó phá hủy mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững trận địa. Hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, đây là mức rất thấp.

Sẽ chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách

Theo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang, truyền thông chính sách cần có nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính... Trong đó, nguồn lực về tài chính là điều kiện đảm bảo quan trọng để thực hiện truyền thông có hiệu quả. Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, hệ thống kênh tin tức, phổ biến giáo dục, phục vụ hoạt động truyền thông chính sách tập trung chủ yếu trên 7 kênh truyền hình quảng bá của Đài. Chi phí để đảm bảo cho hệ thống truyền thông chính sách của Đài đặc biệt lớn, gần 1.200 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm chi phí khấu hao).

Bộ TTTT đề xuất, Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Tiếp tục đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, bảng tin điện tử để phát huy tối đa các ưu điểm của công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở. Trong điều kiện kinh tế thị trường, có thể xem xét công tác truyền thông chính sách là một dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước cần cung cấp cho xã hội, Nhà nước thực hiện việc này một phần thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Đồng thời, hướng dẫn cơ chế thực hiện đặt hàng với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ban hành các Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN liên quan đến hoạt động truyền thông chính sách. Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ TTTT về “mũ” chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TTTT và các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân… để có các giải pháp tăng nguồn NSNN đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ./.

Cùng chuyên mục
Giảm nguồn thu, thiếu kinh phí, báo chí cần được Nhà nước hỗ trợ thêm