Giám sát lĩnh vực bất động sản

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 22/06/2023 06:56

(BKTO) - Ở nước ta, bất động sản chiếm tới gần 20% nền kinh tế. Khi thị trường bất động sản bị đình trệ, nền kinh tế của đất nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Đó là chưa nói tới những tác động lên an sinh xã hội và sự phát triển nói chung của đất nước.

4-.jpg
Thu thập thông tin đầy đủ và với chất lượng cao sẽ rất quan trọng cho hoạt động giám sát. Ảnh sưu tầm

Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp để tháo gỡ những ách tắc của thị trường, tình hình chung vẫn còn rất khó khăn. Khó khăn đang hiện hữu cả về phía cung lẫn phía cầu. Về phía cung, đó là tín dụng bất động sản bị suy cạn; các thủ tục liên quan đến quy hoạch, giao đất cho thuê đất, đến phê duyệt các dự án bị chậm trễ, kéo dài… Về phía cầu, cầu đầu tư vào bất động sản, cầu cất giữ tài sản bằng bất động sản bị đóng băng, vì chủ trương đánh thuế cao những người có nhiều nhà đất chậm được thể chế hóa. Cầu về nhà ở của những người có thu nhập thấp tuy có, nhưng đây chủ yếu là cầu ít có khả năng thanh toán. Giải pháp tài chính nào có thể giúp những người có thu nhập thấp mua được nhà ở? Những sự trợ giúp nào có thể giúp các doanh nghiệp hạ giá thành nhà ở xã hội là những vấn đề nóng bỏng đang chờ những phản ứng chính sách phù hợp.

Trong bối cảnh như vậy, chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội về chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2024 vừa được thông qua có ý nghĩa rất to lớn.

Đây là cơ hội để một loạt vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội quan tâm giải quyết.

Trước hết, đó là giám sát để bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bất động sản thường liên quan đến những giao dịch tài chính rất lớn, đến quy hoạch, đến việc giao đất, thu hồi đất, đến việc đền bù, giải tỏa. Giám sát của Quốc hội sẽ giúp các chính sách đã được đề ra trở nên minh bạch hơn và các quyết sách của Chính phủ trong lĩnh vực bất động sản sẽ được giải trình với công chúng.

Thứ hai, bất động sản là lĩnh vực rất dễ xảy ra tham nhũng, hối lộ và các hành vi tiêu cực. Giám sát của Quốc hội có thể nhận biết và ngăn cản những hành vi nói trên bằng cách soi xét các giao dịch bất động sản, các giấy phép xây dựng, các quyết định giao đất, cho thuê đất. Điều này sẽ giúp tăng cường sự liêm chính, cũng như sự công bằng trong lĩnh vực này.

Thứ ba, các chính sách liên quan đến bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tiếp cận nhà ở, quyền sử dụng đất và các tiện ích về cơ sở hạ tầng của người dân. Giám sát của Quốc hội sẽ giúp bảo đảm các chính sách trong lĩnh vực bất động sản sẽ hướng tới lợi ích của công chúng, hướng tới sự phù hợp của giá cả nhà ở và các tiện ích về cơ sở hạ tầng phù hợp.

Thứ tư, Chính phủ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở đến giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở, tình trạng vô gia cư và bảo đảm nhà ở xã hội. Giám sát của Quốc hội sẽ giúp đánh giá hiệu quả, cũng như tác động của các chương trình này, giúp bảo đảm rằng chúng phải đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Thứ năm, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cuộc giám sát sẽ giúp xem xét và sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành để bắt kịp với sự thay đổi của nhu cầu xã hội, sự phát triển của công nghệ và phù hợp với điều kiện kinh tế.

Thứ sáu, chính sách bất động sản liên quan đến quyền tài sản của người dân. Giám sát của Quốc hội sẽ giúp bảo đảm rằng các quyền tài sản của người dân được tôn trọng, sự cân bằng giữa quyền tài sản của người dân và lợi ích công cộng được bảo đảm.

Ngoài ra, các chính sách bất động sản thường gắn với quy hoạch đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng. Giám sát của Quốc hội sẽ giúp bảo đảm rằng các quyết định liên quan đến quy hoạch đô thị phải dựa trên sự đánh giá toàn diện về nhu cầu của người dân, các cân nhắc về môi trường; sự tham vấn công chúng được triển khai; tính bền vững được bảo đảm.

Chương trình giám sát chính sách, pháp luật quản lý bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây quả thực là một lĩnh vực chính sách vô cùng rộng lớn. Để bảo đảm hiệu quả, có lẽ, Quốc hội vẫn cần phải có sự xác lập ưu tiên ở đây. Chỉ khi phạm vi giám sát được ưu tiên cho những vấn đề nóng bỏng nhất đang được đặt ra, Quốc hội mới có đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện chương trình giám sát thành công.

Cuối cùng, thu thập thông tin đầy đủ và với chất lượng cao sẽ rất quan trọng cho hoạt động giám sát. Các báo cáo của Kiểm toán liên quan đến bất động sản vì vậy là nguồn thông tin không thể thiếu ở đây./.

       

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán đất đai giúp gì cho nghị trường?
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp là việc thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một công việc hết sức hệ trọng và vô cùng khó khăn. Vấn đề không chỉ nằm ở sự phức tạp của Luật Đất đai, mà còn nằm ở sự hạn chế về chứng cứ liên quan đến các vấn đề và các giải pháp lập pháp đang được đề ra.
  • Kiểm toán nhà nước - Thiết chế hữu hiệu để chống tham nhũng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chính thức trở thành một thiết chế hiến định. Địa vị pháp lý của KTNN được nâng cao phản ánh tầm quan trọng của thiết chế này đối với nền quản trị quốc gia nói chung và đặc biệt đối với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng nói riêng.
  • Linh hoạt lãi suất điều hành
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Lạm phát nước ta từ đầu năm 2023 đến nay chỉ tăng 0,39% và lần đầu tiên CPI tháng 4 âm 0,34%. GDP của Việt Nam quý I/2023 chỉ tăng 3,32%, là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023. Những thông số này cho thấy tăng trưởng nước ta bắt đầu chậm lại. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vậy, đây đã đến thời điểm tốt để thực hiện chính sách tiền tệ “mềm mỏng” hơn thay vì “chặt chẽ” để doanh nghiệp và nền kinh tế bớt khó.
  • Hài hòa mục tiêu trong quản lý nợ công
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nợ công là chỉ tiêu tài chính vĩ mô quan trọng, thước đo đánh giá sức khoẻ và sự lành mạnh tài chính quốc gia; đồng thời, phản ánh kết quả kinh doanh, năng lực phản ứng thị trường của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý kinh tế - tài chính nhà nước.
  • Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm 2023
    một năm trước Góc nhìn
    Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt, trước tình trạng cộng đồng doanh nghiệp nhiều lĩnh vực quan trọng như: May mặc, da giầy, chế biến gỗ và công nghiệp chế tạo đối diện với tình trạng giảm sút đơn hàng, thu hẹp sản xuất và thị phần, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao..., Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chính sách và biện pháp liên quan Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ tích cực ch
Giám sát lĩnh vực bất động sản