Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn

(BKTO) - Cùng với mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, quy định giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu trong Dự thảo luật BHXH (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội đánh giá là phù hợp, nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, tạo nền tảng an sinh xã hội bền vững…

to211.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự  án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân

Chiều 02/11, thảo luận tại Tổ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật để góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về BHXH; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành; khắc phục những hạn chế của luật BHXH hiện hành; đáp ứng những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia…

Trong đó, các đại biểu đánh giá cao và tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả chủ hộ phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, vào nội dung quy định tại Điều 3 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh...

“Đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Do đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này, vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp”- đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân. Do đó, việc quy định đối tượng tham gia phải linh hoạt.

Theo đại biểu, số liệu thống kê cho thấy, cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lần này sửa Luật, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý.

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến.

Đồng thời, hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.

“Dự thảo Luật BHXH cần quy định lộ trình để tất cả người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động; có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường”- đại biểu Trần Văn Khải nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến quy định này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) đề nghị làm rõ cơ sở để đưa "Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố" vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc; bởi thực tế, số lượng các đối tượng này luôn biến động theo nhiệm kỳ.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định mức hỗ trợ đóng BHXH bắt buộc của Nhà nước cho nhóm đối tượng này, vì mức thu nhập của cán bộ không chuyên trách ở cấp thôn, tổ dân phố thấp hơn so với các nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác.

Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

khai.png
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải phát biểu thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn

Tán thành quy định này, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Tuy nhiên, do thời gian tham gia ngắn nên chắc chắn lương hưu sẽ thấp, vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng.

“Việc giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ, mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 tuổi và nữ 47 tuổi) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già"- đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Khải cũng cho rằng, Dự thảo Luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng. Bởi, nếu quy định như Dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu, dẫn đến sức hấp dẫn của chính sách thấp. Do vậy, cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập và để bảo đảm mức sống tối thiểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, đây là quy định rất nhân văn đối với lao động trong độ tuổi từ 50 - 55 mới tham gia BHXH và lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí cũng như chưa đến tuổi hưởng trợ cấp xã hội.

Điều này đã khuyến khích những người sau 45 tuổi tiếp tục tham gia BHXH; cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng hưu trí.

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Xã hội của Quốc hội là phải xác định rõ nguồn ngân sách cũng như cần sự rõ ràng giữa ngân sách ngành lao động - thương binh và xã hội đang quản lý đối với người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với nhóm đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH và phải hạch toán thật kỹ nguồn lực này./.

Cùng chuyên mục
Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn