Tái tạo Văn hóa Petrovietnam bằng niềm tự hào của người lao động Dầu khí

(BKTO) - Với một loạt chương trình hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, hấp dẫn trong quý III/2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tiếp tục nâng tầm quá trình tái tạo Văn hóa Petrovietnam thông qua những bước tiến mạnh mẽ, đổi thay về chất và sự lồng ghép văn hóa dầu khí vào các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.

ld.jpg
Lãnh đạo Petrovietnam luôn quan tâm, khơi gợi lòng tự hào của người lao động Dầu khí

Khơi gợi niềm tự hào của người lao động Dầu khí

Trước hết, có thể thấy, việc duy trì chất lượng cuộc họp giao ban thường kỳ (CEO Meeting) của Tổng Giám đốc Tập đoàn với thủ trưởng các đơn vị để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tiếp tục mang lại hiệu quả, đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng.

Quyết tâm gắn mục tiêu sản xuất kinh doanh với mục tiêu chung của đất nước, Tập đoàn đã tạo ra sự đổi mới, cấu trúc mô hình quản trị ngày một hoàn thiện, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với những biến động lớn của nền kinh tế.

Minh chứng là trong 9 tháng, toàn Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính quan trọng của năm 2023; trong đó, 5 đơn vị của Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch quản trị về doanh thu hợp nhất và 6 đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

pvn-3.jpg
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thường xuyên chủ trì họp giao ban thường kỳ (CEO Meeting)

Tại các đơn vị, việc thực hiện phương châm hành động và lượng hóa trong công tác quản trị, điều hành, kết hợp với Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), thực thi văn hóa phối hợp; văn hóa làm việc trên nền tảng công nghệ; văn hóa đào tạo, tự cập nhật kiến thức; thúc đẩy giá trị “khát vọng”; động viên, khen thưởng kịp thời... tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Các cuộc kiểm tra, đánh giá thực hành 5S đã được thực hiện nghiêm túc; nhiều đơn vị coi việc thực hành 5S là công việc duy trì hằng ngày giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng, tiết giảm chi phí, tạo không gian làm việc chuyên nghiệp, thư giãn sau những giờ làm việc, mang lại cảm giác gần gũi nhất là trên các giàn khoan, tàu thuyền, nhà máy...

Cùng với đó, trong quý III vừa qua, Tập đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy tái tạo Văn hóa Dầu khí.

vhdk.jpg
Phát động Tuần lễ Văn hóa Petrovietnam

Đơn cử, ngày 11/8, Tập đoàn tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp tại Thái Bình với sự tham dự của 200 đại biểu, khách mời gồm các đồng chí lãnh đạo ở cơ quan Trung ương, lãnh đạo Tập đoàn, thường trực các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc, lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ làm công tác tuyên giáo, truyền thông, văn hóa doanh nghiệp.

Hội nghị đã cung cấp hệ thống các văn bản triển khai, thông tin các kiến thức cập nhật trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại các đơn vị giữa các đại biểu tham dự diễn ra sôi nổi và thiết thực

Tiếp đó, ngày 23/8, Tập đoàn đã tổ chức Tọa đàm “Văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả quản trị” nhằm cung cấp phương pháp, định hướng cho đội ngũ làm công tác văn hóa doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện với sự tham gia của hơn 500 cán bộ tại các điểm cầu.

dk-3.jpg
Liên hoan nghệ thuật quần chúng của người lao động Dầu khí

Tại đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã gửi đến toàn thể người lao động của Tập đoàn thông điệp về niềm tự hào được đứng trong đội ngũ một doanh nghiệp quốc gia. Những người lao động dầu khí đã vượt qua rất nhiều gian nan, thách thức, nỗ lực cống hiến không ngừng để phát triển Tập đoàn, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, khơi nguồn tài nguyên cho đất nước.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Tận hiến cho đất nước, các bạn có quyền tự hào là người lao động Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Gắn trách nhiệm cá nhân với đơn vị, với đất nước

Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể trong Tập đoàn cũng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, gắn truyền thông nội bộ với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm tốt công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động, giúp phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị toàn Tập đoàn.

Nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng đã được tổ chức dịp Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XIV, kỷ niệm 48 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (03/9/1975 - 03/9/2023) với hình thức phong phú, triển khai linh hoạt như tổ chức thi tìm hiểu, lễ mít tinh kỷ niệm, hội thảo, tọa đàm, đối thoại với người lao động, gặp mặt truyền thống, về nguồn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

Nổi bật trong số đó là cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam” đã ghi dấu ấn, phát huy đậm nét những giá trị Văn hóa Petrovietnam. Cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam” được chính thức phát động ngày 11/8/2023, tại Thái Bình và diễn ra trong 5 ngày, thu hút 23.895 người tham dự và đã trở thành diễn đàn trao đổi, bày tỏ tình yêu, mở cánh cửa cho mỗi người lao động dầu khí tìm về với lịch sử các thế hệ người đi tìm lửa, thêm tự hào về những thành tựu của Petrovietnam.

pvn-5.jpg
Trao giải cuộc thi "Tôi yêu Petrovietnam"

Trong 33 đơn vị tham gia, có 10 đơn vị đạt và vượt 100% số lượng cán bộ nhân viên tham gia dự thi; có 22/33 đơn vị đạt trên 50% số lượng cán bộ nhân viên dự thi. Đơn vị có số lượng người tham gia nhiều nhất là Vietsovpetro 2.799 người, tiếp theo là PV GAS 2.441 người, PV Power 2.042 người. Riêng PV Drilling là 1.706 người (vượt 110% do thu hút được cả những lao động hợp đồng tham gia cuộc thi).

Kết quả có tới 800 người trả lời đúng toàn bộ 50 câu hỏi; có 12.708 (53,2%) trả lời đúng từ 45 đến 49 câu hỏi. Cuộc thi cũng tạo được những dấu ấn đặc biệt, như số lượng thí sinh làm bài ngoài giờ hành chính nhiều nhất (trung bình mỗi ngày ngoài giờ hành chính từ 18h00 đến 24h00 đều có hàng nghìn người dự thi); số lượng tương tác, bình luận trên các trang mạng xã hội của Tập đoàn và đơn vị lớn nhất từ trước đến nay (khoảng 25.000 lượt tiếp cận, tương tác và bình luận).

Có thể thấy, hàng loạt các hoạt động được tổ chức trong thời gian qua đều mang đậm dấu ấn Văn hóa Petrovietnam, góp phần truyền tải thông điệp về các mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ giá trị “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” trong từng hoạt động.

Trong quý IV, lãnh đạo Petrovietnam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái tạo Văn hóa Petrovietnam, yêu cầu người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ phận tham mưu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch cụ thể năm 2024.

Hơn nữa, đối với một tập đoàn quốc gia, người lao động không chỉ phải nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đơn thuần, đem lại lợi ích cho đơn vị và bản thân mà cần phải thấu hiểu trách nhiệm của mình đối với đất nước. Khơi gợi niềm tự hào, sự tận hiến từ lòng yêu nước của người lao động dầu khí chính là mục tiêu chung của toàn bộ quá trình tái tạo Văn hóa Petrovietnam./.

Cùng chuyên mục
Tái tạo Văn hóa Petrovietnam bằng niềm tự hào của người lao động Dầu khí