Giảm tác hại của đồ uống có đường: Cần chính sách thuế phù hợp

(BKTO) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%...

z5317992853763_c7b8894d5ca4ec9f0c7aea22533483a7.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Khánh Linh.

Ngày 05/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia y tế và hoạch định chính sách đã cảnh báo về tác hại của tiêu thụ đồ uống có đường tới sức khỏe, từ đó chỉ ra tác động của chính sách thuế đồ uống có đường tới giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì ở Việt Nam.

Nhiều tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe

z5317992864131_e05a18de12f7798b9f4c66788350c761(1).jpg
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Khánh Linh.

Bằng chứng toàn cầu cho thấy rằng tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Đây cũng là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì và có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.

Theo bà Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng WHO tại Việt Nam, WHO khuyến cáo rằng lượng đường tự do trong khẩu phần ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

z5317992842918_2284b35b06ffa767af4ad507b7b6014b.jpg
PGS,TS. Trương Tuyết Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cảnh báo về tác hại của đồ uống có đường.
Ảnh Khánh Linh.

Cũng thông tin về vấn đề này, PGS,TS. Trương Tuyết Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế đã đưa ra những con số đáng báo động.

Theo đó, Ở Việt Nam, 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên đồ uống có đường sẽ gây nguy cơ thừa cân béo phì, nguy cơ đái tháo đường type 2, nguy cơ hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng hệ xương răng, ảnh hưởng bệnh lý thận - tiết niệu, bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ…

Hậu quả sử dụng đường quá nhiều dẫn đến gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Năm 2015 có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo, con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040.

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, giáo dục dinh dưỡng và các can thiệp thay đổi hành vi khác được thiết kế nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể có hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ ở cấp độ cá nhân. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi của cả một cộng đồng về lâu dài có thể khó đạt được đặc biệt ở nhóm người lớn, vì các hành vi và sở thích ăn uống thường được hình thành trong thời thơ ấu và khó sửa đổi khi trưởng thành.

“Vì vậy, cần xem xét các biện pháp can thiệp khác nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường, kiểm soát hành vi tiêu dùng, chế biến như: Hạn chế khả năng tiếp cận với đồ uống có đường (không bán ở máy bán hàng tự động, bày bán ở các khu vực ít thu hút khách hàng,…) ở những nơi công cộng và thu thuế trong sản xuất và kinh doanh đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều đường " - PGS,TS. Trương Tuyết Mai cho hay.

Đánh thuế với sản phẩm có đường nhằm giảm tiêu thụ và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của các chuyên gia dinh dưỡng cũng là quan điểm của Bộ Tài chính khi xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đó là tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe cộng đồng và trẻ em.

Theo đó, Dự thảo đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

WHO cũng khuyến cáo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20% để điều chỉnh hành vi của người dùng, qua đó giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường… Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: Ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu Mô hình tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường của tổ chức HealthBridge Việt Nam, nếu áp thuế với mức 60 VND/gram đường/lít thì lượng tiêu thụ sẽ giảm đi từ 10-25% tùy dạng đồ uống có đường, trong đó, nước trái cây đóng chai/lon có đường giảm 10% và nước tăng lực giảm 25% lượng sản phẩm tiêu thụ

 Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Kế hoạch hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng nhấn mạnh việc xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Việt Nam đã ban hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2008 nhưng đến nay, Luật này mới chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá, rượu, hàng hóa và dịch vụ xa xỉ mà chưa áp dụng cho các loại đồ uống có đường. Do đó, cần phải sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như là một đòn bẩy chính sách hiệu quả với tác động kép giảm sử dụng đồ uống có đường cũng như các hậu quả sức khỏe liên quan và tạo nguồn lực cải thiện phúc lợi xã hội./.

Cùng chuyên mục
Giảm tác hại của đồ uống có đường: Cần chính sách thuế phù hợp