Ngành Thuế đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế thay vì đến tận doanh nghiệp - Ảnh: Thuỳ Linh |
Chuyển từ kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp tại thành kiểm tra rại tru sở cơ quan Thuế
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 5, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện được 18.638 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 20,16% kế hoạch năm 2020; kiểm tra được 202.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế.
Từ đó, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 23.365 tỷ đồng bằng 172,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 48 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 173,7 tỷ đồng; giảm lỗ 891,1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.042 tỷ đồng.
Lí giải về nguyên nhân 5 tháng đầu năm ngành Thuế chỉ thực hiện thanh tra kiểm tra được hơn 20% kế hoạch đã đề ra, trong khi số tiền kiến nghi xử lý lại tăng cao lên tới hơn 172% so với cùng kì, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã thực hiện 2 cuộc thanh tra và theo đuổi trong suốt nhiều năm, đến đầu năm 2020 chính thức chuyển kết quả chính thức. Nếu loại trừ 2 cuộc thanh tra này thì số tiền ngành Thuế kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng.
Theo ông Cường, Tổng cục Thuế đã bàn rất kĩ lưỡng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “hậu” Covid-19, qua đó đã đề ra một số giải pháp trọng điểm. Theo đó, ngành Thuế đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế thay vì đến tận doanh nghiệp.
“Việc làm này mang ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp bởi cán bộ Thuế đã kịp thời hỗ trợ người nộp thuế khắc phục được sai sót trong kê khai thuế. Mặt khác, với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, cơ quan Thuế sẽ chuyển từ kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp tại thành kiểm tra rại tru sở cơ quan Thuế. Từ đó cũng sẽ có những quy trình quy chế rất chặt chẽ để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế”, ông Cường nói.
Riêng đối với những người nộp thuế không chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, thậm chí trong thời gian xảy ra dịch còn có đà tăng trưởng, phát triển thì cơ quan Thuế sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế, các đoàn thanh tra kiểm tra sẽ phân tích kĩ lưỡng hồ sơ, phân tích đánh giá tại cơ quan Thuế, chỉ khi cấn đến những dữ liệu mà cơ quan Thuế không có cán bộ Thuế mới xuống trực tiếp doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Mạnh Cường, để tăng cường kỉ cương kỉ luật ngành Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã giao Vụ Thanh tra kiểm tra thuế xây dựng phần mềm thuế điện tử để giám sát các đoàn thanh tra kiểm tra, đảm bảo các đoàn này không vi phạm các quy định pháp luật.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế
Riêng đối với nội dung liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện Nghi định chung đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét. Còn với nội dung sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017 khống chế chi phí lãi vay, Chính phủ đang cân nhắc để xử lý theo hướng: Đối với năm 2017, 2018 Chính phủ cho phép nâng mức khống chế mức từ 20% lên 30%.
Ông Cường cũng cho biết, Chính phủ cho phép lấy chi phí lãi vay, bù trừ đi lãi tiền gửi, lãi cho vay sau đó mới tính chi phí khống chế. Đối với kỳ tính thuế 2017, 2018 người nộp thuế kê khai nộp thuế rồi mà được Chính phủ thông qua thì được bù trừ trong số tiền thuế trong năm 2017 và 2018 vào kỳ tiền thuế trong năm 2020. Việc bù trừ sẽ được thực hiện trong 5 năm.
“Còn việc hồi tố, Chính phủ đang cân nhắc việc không được phép chuyển tiếp các chi phí đã loại trừ năm 2017 và 2018 vào những năm tiếp theo, tức là vào năm 2020. Việc điều chỉnh một số đối tượng như vay ODA, vay phục vụ công trình phúc lợi xã hội, xoá đó giảm nghèo sẽ không được hồi tố trong năm 2017 và 2018.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm ngành Thuế sẽ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế.
Ngoài ra, ngành Thuế sẽ kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của người nôp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nôp thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nôp thuế.
Đặc biệt cơ quan Thuế sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của nhà nước.