Giới đầu tư chứng khoán đứng trước nhiều nỗi lo

(BKTO)- Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, số ca nhiễm Covid gia tăng mạnh, tính bền vững của đà tăng chứng khoán... là những thông tin khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán bất an.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Căng thẳng Mỹ - Trung

Phố Wall có phiên giao dịch giằng co do ảnh hưởng từ các cổ phiếu có kết quả kinh doanh trái ngược vừa được công bố.

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch thứ Tư (22/7), cả 3 chỉ số chính của phố Wall vẫn duy trì được đà tăng, dù không quá mạnh. Kết quả kinh doanh của 75 công ty trong S&P 500 đã cố bố, có tới 77,3% doanh nghiệp vượt qua kỳ vọng, dù kỳ vọng hiện tại thấp hơn nhiều so với bối cảnh bình thường.

Thêm thông tin kinh tế tích cực khác, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 6 đã tăng mức kỷ lục 20,7%, theo Hội Môi giới quốc gia. Trong khi đó, chỉ số giá nhà ở Philadelphia tăng 3%, vượt trội so với thị trường chung cả nước.

Tuy nhiên, giới đầu tư đang đứng trước nhiều nỗi bất an. Đầu tiên phải kể đến căng thăng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Washington tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, tiểu bang Texas, đồng thời Tổng thống Trump tuyên bố có thể đóng cửa nhiều lãnh sự quán Trung Quốc khác.

Trung Quốc đã phản đối gay gắt và theo thông tin, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán.

Căng thẳng giữa 2 siêu cường này ngày càng gia tăng trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, chính trị, vấn đề dịch bệnh...

Trong khi đó, tại nước Mỹ, số ca nhiễm mới Covid không ngừng gia tăng và trong ngày hôm qua có thêm hơn 1.000 người chết vì virus này, nâng tổng số người chết lên gần 142.000 người. Trong khi đó, đảng Dân chủ và Cộng hòa lại đang có bất động về gói kích thích kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ USD, trong khi thời hạn để hỗ trợ cho hàng triệu người Mỹ mất việc chỉ còn vài tuần.

Chuẩn bị cho đợt điều chỉnh mới

Theo một số chuyên gia, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một đợt thị trường chứng khoán điều chỉnh vào tháng 9 hoặc tháng 10.Với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới có sự phục hồi chưa từng thấy trong những tháng gần đây, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính bền vững của đà tăng điểm bên cạnh rủi ro từ đại dịch và căng thẳng địa chính trị.

Trao đổi với truyền thông, chuyên gia Ron William của RV Advisory cho rằng: Thị trường hiện đang có rủi ro bất cân xứng trên yếu tố phân tích kỹ thuật, mùa vụ và chính trị, áp lực bán có thể được kích hoạt khi S&P 500 rơi dưới mốc 3.000 điểm. Hiện tại, S&P 500 đang giao dịch quanh vùng 3.257 điểm.

Chỉ số Nasdaq đang ở vùng quá mua và chắc chắn đang không đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới.Tôi cho rằng mọi người nên sẵn sàng cho một mức đỉnh mới trong tháng 8 và sự điều chỉnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 - Chuyên gia này nhận định.

Phân tích sâu hơn, William nhấn mạnh rằng, mặc dù thị trường phục hồi, nhưng dòng tiền thông minh vào thị trường chứng khoán lại ở mức thấp nhất trong 9 năm và phần lớn đà tăng được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư sử dụng nền tảng Robinhood mà ông gọi là một dấu hiệu để nhận biết rủi ro giảm giá.

Dòng tiền thông minh đề cập đến vốn được kiểm soát bởi các nhà đầu tư tổ chức, nhà quản lý quỹ, ngân hàng trung ương và các chuyên gia tài chính khác nhau.“Dòng tiền thông minh đã hết trong khi tiền đầu cơ lại đang hoạt động. Đó là một mẫu hình lớn mà chúng ta cần phải tự đặt ra câu hỏi cho mình”, ông nói.

“Fed đã tác động làm thị trường chứng khoán gia tăng và các ngân hàng trung ương các cũng làm điều tương tự. Chính sách của ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến thanh khoản nhưng không mất khả năng thanh toán và đây cũng là mẫu hình của năm 1929, điều tồi tề chắc chắn sẽ xảy ra”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người tham gia thị trường đều tin rằng một sự điều chỉnh quyết liệt sắp xảy ra. Charlie Parker - Giám đốc điều hành của Albemarle Street Partners cho biết, thị trường có thể tăng nếu kinh tế có sự hồi phục tiếp tục.

“Đà hồi phục của thị trường sẽ chậm hơn so với những tháng gần đây bởi vì sự gia tăng trong các trường hợp lây nhiễm ở Mỹ’, ông nói.

“Tôi vẫn không nghĩ rằng mọi người đã tính toán đầy đủ về tác động của tốc độ phục hồi này, nhưng quan điểm của chúng tôi là miễn là sự phục hồi có thể tiếp tục duy trì ở một mức độ nào đó, chúng ta sẽ thấy mức tăng khiêm tốn của cổ phiếu -Charlie Parker nhấn mạnh.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Giới đầu tư chứng khoán đứng trước nhiều nỗi lo