Nhiều trường cam kết trả đủ tiền lương cho giáo viên
Tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (THCS&THPT) Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong 2 tháng qua, dù không có nguồn thu từ học phí, Trường vẫn trả đủ 100% tiền lương cho gần 400 cán bộ, nhân viên, giáo viên và đến thời điểm hiện nay không có trường hợp nào bị cắt giảm hay bị cho thôi việc. Để “xoay” đủ tiền chi trả lương kịp thời cho giáo viên, Trường đã phải vay ngân hàng; đồng thời kêu gọi phụ huynh học sinh đóng học phí trước hoặc cho vay ngắn hạn.
Trong khi đó, Trường Tiểu học và THCS Victoria Thăng Long được thành lập năm 2019, hiện đang có 400 học sinh theo học, với 82 giáo viên, nhân viên đang làm việc tại Trường. PGS,TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định, mặc dù dịch bệnh kéo dài đang khiến Trường gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, tuy nhiên, Trường sẽ thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Trong tháng 02, Trường trả 70% lương theo hợp đồng vì giáo viên không đứng lớp trực tiếp. Khi giáo viên quay lại dạy học và dạy bù trong tháng 6 như quy định của Nhà nước, Trường sẽ thanh toán đủ theo hợp đồng.
Để có thêm nguồn thu kinh phí nhằm duy trì hoạt động trong thời gian học sinh nghỉ dài ngày, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã đồng ý cho các trường NCL thỏa thuận với phụ huynh học sinh về các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và phải được sự đồng thuận từ phụ huynh. Trong đó, Sở quy định tiền hỗ trợ học online, tiền học phí đã thu và tiền học phí các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm mà trường thông báo từ đầu năm học.
Đề xuất được vay lãi suất 0% để chi trả tiền lương
Theo khảo sát nhanh của tập thể các cơ sở giáo dục NCL, tính đến năm học 2020-2021, khối giáo dục NCL toàn quốc có gần 2 triệu học sinh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục NCL được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi. Trong trường hợp bị phá sản, chỉ tính riêng 200 trường phổ thông quy mô vừa tại TP. HCM và Hà Nội sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, hàng nghìn tỷ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn…
Trước tình hình đó, 150 cơ sở giáo dục NCL (từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có Thư kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành về việc hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Sau khi Thư kiến nghị được gửi đi đã có nhiều tranh luận trái chiều. Một số bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với các trường, nhưng số khác lại cho rằng, dịch bệnh không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của các trường mà còn tác động tới cả nền kinh tế, các ngành, nghề khác nhau. Vì thế, các trường phải chấp nhận tổn thất rủi ro trong kinh doanh, tự khắc phục thay vì chờ đợi sự hỗ trợ trong bối cảnh Nhà nước đang phải tập trung phòng, chống dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các trường NCL đang gặp khó khăn giống như các DN thuộc các lĩnh vực: du lịch, vận tải, xuất - nhập khẩu… đều mong muốn có được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cũng cần xem xét và hỗ trợ lĩnh vực giáo dục NCL ở mức độ hợp lý, bình đẳng về chính sách với các lĩnh vực đầu tư khác.
Sau khi cân nhắc các ý kiến, Bộ GD&ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Trong đó, Bộ kiến nghị miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II/2020; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và NCL đang tham gia đóng trong quý I và quý II/2020. Đặc biệt, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục NCL vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
LÊ HÒA