Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án PPP - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

(BKTO) - Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhiều chuyên gia đề xuất cần giao quyền và tăng cường năng lực giám sát độc lập của cơ quan KTNN, mở rộng kế hoạch kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), áp dụng kết hợp ba loại hình kiểm toán tài chính, tuân thủ và kiểm toán hoạt động để đánh giá tổng thể tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của dự án.




Nhiều quốc gia bắt buộc phải kiểm toán các dự án PPP. Ảnh tư liệu

KTNN được kiểm toáncác dự án PPP

KTNN Trung Quốc thực hiện kiểm toán dự án PPP khi được chính quyền địa phương cho phép vì dự án PPP có liên quan đến đối tác là cơ quan khu vực công. Tuy Luật KTNN Trung Quốc và văn bản pháp luật của các Bộ chưa quy định kiểm toán dự án PPP là bắt buộc nhưng hướng dẫn của Ủy ban Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh về kiểm toán tất cả các dự án có sự liên quan đến cán bộ nhà nước và dự án có sử dụng tiền công quỹ.

Với KTNN Canada, cơ quan này có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý dự án cơ sở hạ tầng công thuộc trách nhiệm của chính quyền liên bang/tỉnh hay lãnh thổ, dù dự án được hình thành theo cách truyền thống hay PPP. Còn KTNN Ấn Độ cũng có quyền kiểm toán tất cả các giao dịch mà chính quyền tham gia, nhất là nếu liên quan đến phân chia doanh thu.

Nhiều quốc gia khác cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan KTNN đối với các dự án PPP. Chẳng hạn, ở Indonesia, dự án PPP thuộc tài chính công nên thuộc trách nhiệm kiểm toán của KTNN. Hay như ở Kuwait, KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán dự án PPP theo Luật về quan hệ đối tác công - tư. Tại Đức, KTNN được kiểm toán các hợp đồng của dự án PPP, cũng giống như kiểm toán các khoản chi tiêu công, thậm chí các dự án đều được phân tích tính khả thi về kinh tế và PPP sẽ chỉ được chọn nếu mang lại lợi ích cao hơn so với dự án công thông thường theo cách truyền thống…

Đó là hàng loạt dẫn chứng được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra để khẳng định vai trò của các cơ quan KTNN trong kiểm toán các dự án PPP trên thế giới. Bởi dự án PPP có sự tham gia của khu vực công (nguồn lực công) nên kiểm toán dự án PPP để bảo đảm nguồn lực công được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, GS,TSKH. Nguyễn Mậu Bành (Đại học Xây dựng) và PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Đại học Kinh tế Quốc dân) đúc rút, dự án PPP có liên quan đến nhiều người sử dụng, nên ảnh hưởng rộng về mặt xã hội. Tính hợp lý về quyền lợi của bên cung cấp và bên sử dụng cần được bảo đảm nên kiểm toán là một cách để đạt được mục tiêu đó.

Cần thực hiện cả 3 loại hìnhkiểm toán

Từ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cho rằng, đối với dự án PPP, cần thực hiện cả 3 loại hình: kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Thậm chí, có quốc gia còn mở rộng hơn nữa, như trong trường hợp kiểm toán tuân thủ dẫn đến nghi ngờ về khả năng gian lận hay tham nhũng ở dự án PPP.

Theo ông Trần Kim Lộc - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN), nhiều quốc gia đã phát huy vai trò của cơ quan KTNN trong suốt chu kỳ, quá trình thực hiện dự án PPP. Đồng quan điểm, GS,TSKH. Nguyễn Mậu Bành và PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa dẫn chứng, khi kiểm toán Dự án Đường hầm xuyên TP. Sydney, KTNN bang New South Wales (Australia) đã phân tích quá trình hình thành hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng và dự liệu chi phí của Dự án có hợp lý đối với người dân hay không. Từ đó, cơ quan này đã kết luận Dự án thu phí cao, mức giao thông thấp hơn so với dự tính và thiếu sự minh bạch trong điều chỉnh hợp đồng. Tương tự, qua kiểm toán 12 dự án PPP do EU tài trợ vốn ở Pháp, Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha, các cơ quan KTNN cũng kết luận các dự án bị chậm tiến độ, đội vốn, mức sử dụng thực tế thấp hơn dự tính.

Bà Lê Minh Hương - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - cho rằng, xét về vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao, trong một số khu vực pháp lý, cơ quan kiểm toán phải ký vào hợp đồng PPP trước khi thực hiện. Thực tế, GS,TSKH. Nguyễn Mậu Bành và PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, việc kiểm toán trước khi ký hợp đồng PPP cũng được đánh giá cao ở châu Âu. Bởi World Bank mới đây đã đưa ra khuyến cáo, hợp đồng PPP cần được xác minh và có ký xác nhận của cơ quan KTNN về các điều khoản hợp đồng (thời gian, chi phí, trách nhiệm của các bên…).

Với giai đoạn thực hiện dự án, cơ quan KTNN tập trung vào các rủi ro như chi phí quá cao, chậm tiến độ, vấn đề phát sinh ngoài dự kiến, dùng nguyên vật liệu kém chất lượng, thanh toán… Việc kiểm toán giai đoạn này có tác dụng tích cực với việc vận hành dự án PPP sau khi hoàn thành. Còn việc kiểm toán giai đoạn vận hành dự án PPP thường được thực hiện với những rủi ro về vận hành và duy trì tài sản hình thành từ dự án, đặc biệt nếu hợp đồng PPP có thời gian dài và có giá trị lớn.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án PPP - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế