Tình trạng có tiền không tiêu được có xu hướng gia tăng
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), đầu tư công giảm, giải ngân vốn đầu tư công chậm và một số công trình kết cấu hạ tầng chậm tiến độ là nội dung "biết rồi nói mãi".
“Năm nào các nội dung này cũng được Chính phủ đề cập trong phần hạn chế, yếu kém. Cho dù biết đây là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng điều lạ là cho dù đã thấy và cũng đã chỉ đạo kiên quyết nhưng càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn, điển hình là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản”- đại biểu lo ngại.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tình trạng có tiền không tiêu được có xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước.
Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng, phân bổ nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách trung ương chậm, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Theo đại biểu Tâm, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm trễ vẫn tập trung vào một số yếu tố như chuẩn bị dự toán đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn, việc bố trí, phân bổ ngân sách trung ương cũng còn chậm, dàn trải. Các vấn đề này kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục thật sự quyết liệt khiến hiệu quả giải ngân cũng còn thấp.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Với tình trạng này, một số dự án đầu tư vay vốn ODA đã gần hết thời hạn hiệp định vẫn không thể hoàn thành, gây ra rất nhiều hệ lụy. Việc bố trí vốn hàng năm chưa đảm bảo tương ứng với tổng vốn mức vốn đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua.
“Với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt khoảng 33,8% GDP thì việc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thực sự trở thành một nút thắt, một sự tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững, dài hạn”- đại biểu Tùng chỉ rõ.
Kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án dàn trải, giải ngân chậm
Giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Cập nhật tình hình của 10 tháng năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao.
“So với 9 tháng như đã báo cáo Quốc hội thì tăng không đáng kể và thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2018; mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, với nhiều các giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu của năm, như việc giao kế hoạch vốn rất sớm, trước ngày 31/12 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33.000 tỷ và tương ứng với hơn 8% không đủ điều kiện và thủ tục theo luật quy định nên không thể giao được”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, chúng ta đã giao thêm được hơn 5.000 tỷ và vẫn còn 27.000 tỷ chưa giao được do các thủ tục, quy trình chưa đủ điều kiện để giao vốn theo luật định.
Nêu nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Dũng cho biết: Về khách quan, đó là do một số quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công, như công tác chuẩn bị đầu tư, công tác chuẩn bị dự án còn bất cập. Thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp, nhiều việc phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số chồng chéo và vướng mắc.
Tuy nhiên, về cơ bản những vấn đề liên quan đến các vướng mắc của Luật Đầu tư công đã được giải quyết, xử lý ở Luật Đầu tư công (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Đặc biệt, Chính phủ xác định, khâu tổ chức thực hiện vẫn là nguyên nhân chủ yếu như công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, việc giao kế hoạch chậm cả ở Trung ương và ở các cấp Bộ, ngành, địa phương, tức là giao chi tiết cũng rất chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án, công tác tổ chức thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát nhà thầu,... còn nhiều hạn chế và cơ bản là thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình vừa để nâng cao hiệu quả giám sát ngay tại cơ sở, vừa giúp chính quyền địa phương thấy rõ được những nguyên nhân và gợi ý đưa ra những giải pháp hết sức hiệu quả.
Luật Đầu tư công đã được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 94 là với việc giám sát của Quốc hội cũng như của các đoàn đại biểu Quốc hội. Tôi tin tưởng rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2030 sẽ có những bước cải thiện đáng kể - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đ. KHOA