Gỡ “rào cản” để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

(BKTO) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất và góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa đạt được như kỳ vọng.

nn.jpg
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa: S.T

Nhiều rào cản hạn chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 3 - 4%. Năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 53 tỷ USD. Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, chè, sắn… thuộc tốp đầu các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là năng suất đã đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước... Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, sản xuất xanh…

Trước 3 chữ “biến” của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, theo ông Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra hiện nay là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.

“Làm được điều đó, chỉ có bằng cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế nông nghiệp có giá trị cao hơn, phát triển bền vững hơn. Đây cũng là những mục tiêu chính của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Mặc dù định hướng đã được đặt ra và bước đầu được triển khai thực hiện, song theo chia sẻ của các chuyên gia tại “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” mới diễn ra cho thấy, trên thực tế, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, về nguồn vốn, ông Lê Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay...

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn để thực hiện việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, máy móc, công nghệ… Do đó, việc thiếu nguồn vốn đầu tư sẽ là rào cản quan trọng cản trở khả năng hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Lê Văn Tuấn

Bên cạnh đó, việc tích tụ đất đai ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm.

Thêm nữa, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn mặc dù đã có nhiều cải thiện, song so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp (DN) khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, năng lực nội sinh lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; công nghệ chế biến sâu chưa làm chủ được, các DN vẫn phải nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài... là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

20240723_142638.jpg
Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 23/7. Ảnh: D.T

Chỉ ra thêm khó khăn, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho biết, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô còn nhỏ bé cùng với trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam chưa có nhiều điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Cần những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trước thực trạng trên, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Đặng Kim Sơn cho rằng cần phải có giải pháp để những tập đoàn, DN lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ cho các DN vừa và nhỏ cùng với các hợp tác xã và người nông dân.

“Làm sao để các DN “đứng” được trên các địa bàn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, “đứng” được trên các ngành chiến lược như lúa gạo, cà phê, điều, thủy sản…” - ông Sơn trăn trở.

Do đó, ông Sơn đề xuất cần hỗ trợ các DN đi đầu này. Theo đó, phải hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Tại đây, Nhà nước và DN có cơ chế phối hợp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các DN “đầu tàu” chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.

Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các DN vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Mặt khác, theo ông Sơn cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

“Vấn đề chính cần đặt ra không phải là giải pháp công nghệ mà trước hết là thể chế và chính sách mở đường. Cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tối đa những DN “đầu đàn” áp dụng công nghệ cao trở thành hạt nhân phát triển, tạo tác động lan tỏa cho toàn hệ sinh thái sản xuất kinh doanh” - ông Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm khuyến nghị, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh đến sự liên kết giữa DN nông nghiệp với các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học. Theo ông Thắng, trên thực tế, tại Việt Nam, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn vẫn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, trong khi đó chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người nông dân, DN nông nghiệp và nhà khoa học, tổ chức khoa học.

“Do đó, việc liên kết chặt chẽ giữa các DN nông nghiệp và các tổ chức, DN khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…” - ông Thắng nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Gỡ “rào cản” để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao