Ngân hàng “quay lưng” với dự án giao thông
Nhu cầu vốn tín dụng cho xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm duy trì nhịp độ phát triển cao trong 5 - 10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn, ước tính khoảng 100 tỷ USD. Chỉ tính riêng cho nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 952.731 tỷ đồng (đã bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách và huy động ngoài ngân sách). Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) còn khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, một trong những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông thời gian qua là sự thiếu hợp tác từ phía các ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng trong việc quan tâm hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của đất nước và Nhà nước cũng chưa có ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào làm nòng cốt để tham gia vào lĩnh vực này. Các nhà đầu tư đang phải tự xoay xở và gặp khó khăn rất lớn khi huy động vốn đầu tư các dự án giao thông. “Ngân hàng tài trợ vốn bản chất cũng như một nhà đầu tư kinh doanh tiền tệ, mặc dù được hưởng lợi ích từ lãi suất cho vay nhưng khi dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc thì họ bàng quan, im lặng. Hơn nữa, các quan điểm về thẩm định cho vay lúc thì theo quy định pháp luật, lúc thì theo quan điểm rủi ro, thông lệ riêng của ngân hàng” - ông Hoàng chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Chí Thành cho rằng, về lý thuyết, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án BOT là bạn đồng hành cùng với nhà đầu tư. Nhưng thực tế không phải như vậy, bởi khi dự án gặp khó khăn, có những ngân hàng né tránh, họ không “xắn tay” cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn mà chỉ quan tâm đến việc thu đủ, thu đúng và sẵn sàng phát ra thông điệp rủi ro là do Nhà nước và nhà đầu tư đã không thực hiện theo đúng cam kết.
Tìm cách gỡ vướng về tài chính
Lý giải về khó khăn trong việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các dự án BOT giao thông thường có mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, mức vốn tự có yêu cầu thấp (10 - 15%), hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, trường hợp tổng mức đầu tư tăng, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc bổ sung vốn. Một số dự án đi vào thu phí không đúng tiến độ, do chậm giải phóng mặt bằng thi công, hoàn tất thủ tục thu phí… dẫn đến chậm nguồn thu để trả nợ. Bên cạnh đó, việc cho vay dài hạn đối với các dự án hạ tầng giao thông còn gặp rủi ro liên quan đến chất lượng công trình, sự phản đối của chủ phương tiện và người sử dụng dịch vụ đường bộ… Trong trường hợp mức phí không được tăng như dự kiến trong các hợp đồng BOT thì nguồn thu của dự án có thể sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, dẫn đến ngân hàng phải cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Để đẩy mạnh thu hút vốn tín dụng thương mại đối với các dự án hạ tầng giao thông, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầu tư theo hình thức PPP; khắc phục những vướng mắc của BOT trong thời gian qua; công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát. Bên cạnh đó, phải xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư các dự án BOT, BT giao thông trong thời gian qua liên quan đến thu phí hoàn vốn cho các dự án. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn như: vốn NSNN, ODA, trái phiếu chính phủ…; cơ chế huy động vốn từ các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn để đầu tư các dự án giao thông. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình triển khai các trạm thu phí không dừng trên tất cả các dự án BOT đã và đang đầu tư nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn thu của dự án, đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, ngân hàng cần đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT cho vay và trách nhiệm chung đối với hạ tầng giao thông để cùng nhau xác định trách nhiệm chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ quan công quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc cơ chế bất cập hiện nay. Trong trường hợp Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thay đổi hợp đồng dự án dẫn đến hợp đồng tín dụng bất lợi, các ngân hàng cần phối hợp với nhà đầu tư để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trình Quốc hội, Chính phủ xem xét tháo gỡ thông qua việc xây dựng điều chỉnh chính sách vĩ mô.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019