Gói hỗ trợ 19 tỷ USD - "Liều thuốc" tăng sức cạnh tranh cho ngành chip Hàn Quốc

(BKTO) - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Động thái này nhằm tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp then chốt này trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Gói hỗ trợ bao gồm các chương trình tài chính, sáng kiến nghiên cứu phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nhà sản xuất chip, nhà cung cấp vật liệu và công ty thiết kế chip. Chính phủ kỳ vọng gói hỗ trợ này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn của Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

chiphanquoc.jpg
Trọng tâm của kế hoạch là chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 12,5 tỷ USD dành riêng cho đầu tư cơ sở hạ tầng - Ảnh minh họa

Mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn

Kế hoạch trên được công bố trong cuộc họp liên ngành về các vấn đề kinh tế có sự tham gia của các bộ và các cơ quan quản lý tài chính. Trọng tâm của kế hoạch là tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 17.000 tỷ won (12,5 tỷ USD) dành riêng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch gia hạn thời gian miễn giảm thuế, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là vào dự án cụm siêu bán dẫn ở tỉnh Gyeonggi.

Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ thành lập một quỹ công nghiệp chip trị giá 1.000 tỷ won (730 triệu USD) để hỗ trợ các công ty cung ứng vật liệu và sản xuất chip, đồng thời xây dựng hạ tầng phục vụ nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh rằng gói hỗ trợ nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng thống tin tưởng rằng nếu doanh nghiệp mở rộng đầu tư và có lợi nhuận tăng lên nhờ ưu đãi thuế, người dân sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tăng số lượng việc làm chất lượng cao, góp phần phục hồi nền kinh tế và tăng doanh thu thuế.

Ưu đãi về thuế

chip-ban-dan.jpg
Hàn Quốc cũng mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất chip và các ngành công nghiệp chiến lược khác - Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 30/3, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua dự luật nhằm tăng cường hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất chip và các ngành công nghiệp chiến lược khác.

Các điều khoản sửa đổi lần này của Đạo luật Thuế đặc biệt (Đạo luật K-Chips) tập trung vào việc tăng tỷ lệ tín dụng thuế đối với các công ty đầu tư cơ sở vật chất vào các ngành chiến lược quốc gia, bao gồm chất bán dẫn, pin thứ cấp và ôtô điện.

Theo dự luật, tỷ lệ tín dụng thuế đối với các tập đoàn sẽ tăng từ 8% hiện nay lên 15%, trong khi tỷ lệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng từ 16% lên 25%.

Các doanh nghiệp cũng được cắt giảm thêm 10% thuế đối với số tiền đầu tư tăng thêm so với mức đầu tư bình quân của 3 năm trước đó.

Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu chất bán dẫn. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu suy giảm mạnh thời gian gần đây do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu chip giảm 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,32 tỷ USD trong 20 ngày đầu tháng 3/2023.

Kỳ vọng đứng thứ 2 thế giới vào năm 2032 về sản lượng chip

chip-ban-dan-1.jpg
Hàn quốc được dự đoán sẽ đứng vị trí thứ hai thế giới về sản lượng chip vào năm 2032 - Ảnh minh họa

Hàn Quốc hiện có hai tập đoàn Samsung và SK đang dẫn đầu thế giới về sản xuất chip nhớ. Tuy nhiên, hai hãng lại có thị phần gia công chip theo yêu cầu thấp hơn so với tập đoàn TSMC.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, hợp tác với Tập đoàn Tư vấn Boston, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được dự đoán sẽ chiếm 19% sản lượng chip toàn cầu, để đứng vị trí thứ hai thế giới vào năm 2032.

Tính đến năm 2022, Hàn Quốc chia sẻ vị trí thứ ba với Nhật Bản về sản xuất chip toàn cầu, sau Trung Quốc và Đài Loan, hiện chiếm lần lượt 24% và 18%.Tới năm 2032, Hàn Quốc dự kiến sẽ gia tăng đáng kể về năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn.

Báo cáo đã chia các khu vực sản xuất chip trên thế giới thành bảy khu vực: Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và các khu vực khác. Thị phần sản phẩm của Hàn Quốc ngày càng tăng do năng lực sản xuất tăng lên đáng kể so với các khu vực khác, thông qua việc xây dựng các nhà máy bán dẫn.

Báo cáo ước tính tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc từ năm 2022-2032 được dự đoán sẽ cao thứ hai sau Mỹ (203%), trước châu Âu (124%), Đài Loan (97%), Nhật Bản (86%), Trung Quốc đại lục (86%) và các khu vực khác (62%).

So với năm 2012, tốc độ tăng trưởng công suất bán dẫn của Hàn Quốc vào năm 2022 (90%) chỉ đứng sau mức kỷ lục 365% của Trung Quốc. Cùng thời gian này, tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất ở các khu vực khác theo thứ tự là Đài Loan (67%), châu Âu (63%) và Nhật Bản (36%). Mỹ ở vị trí thấp nhất với 11%.

Cùng chuyên mục
Gói hỗ trợ 19 tỷ USD - "Liều thuốc" tăng sức cạnh tranh cho ngành chip Hàn Quốc