Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Sẽ nới lỏng hơn các điều kiện tiếp cận?

(BKTO) - Đến thời điểm này, dù đã có hàng chục triệu người lao động được hưởng lợi từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng nhưng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), một số thủ tục vẫn gây khó cho DN. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là nới lỏng các thủ tục để DN và người lao động dễ dàng tiếp cận với gói hỗ trợ hơn.



                
   

Hỗ trợ người lao động ở Bình Dương - Ảnh:TTXVN

   

Vướng thủ tục, doanh nghiệp khó tiếp cận
Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 23), Hà Nội đã hỗ trợ cho người lao động, DN với tổng kinh phí 291,91 tỷ đồng. Con số này khá thấp so với mục tiêu mà địa phương đặt ra.

Lý giải việc triển khai chưa đạt yêu cầu, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội - cho biết, mặc dù Quyết định 23 đã quy định rất rõ 12 đối tượng được hỗ trợ nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn và vướng mắc về thủ tục.

“Điều 38 của Quyết định 23 quy định, để được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, việc quyết toán thuế đối với DN, đặc biệt là DN có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động cần thời gian khá dài. Vì vậy, nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện này, dẫn đến số DN được vay vốn trả lương còn thấp” - ông Dân dẫn chứng.

Đối tượng thụ hưởng chính sách khó tiếp cận vì vướng thủ tục không chỉ được Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phản ánh mà đây còn là tình trạng chung ở nhiều địa phương khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23, tiền đã chi hỗ trợ là 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long; 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên; 5 tỉnh chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc là: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên và 3 tỉnh chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.

Kịp thời sửa đổi để chính sách thấm sâu hơn vào đời sống
Nhìn nhận về những hạn chế sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số quy định đang cản trở DN vay vốn để trả lương người lao động.

“Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020 mới được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cũng sẽ được bãi bỏ.

Đặc biệt trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động có giao kết hợp đồng không thể đi làm hồ sơ để nhận hỗ trợ đang chiếm số đông ở TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp này nhằm giúp người lao động sớm được hưởng chính sách hỗ trợ.

Để tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ, “cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt, tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định./.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

LÊ BẢO




Cùng chuyên mục
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Sẽ nới lỏng hơn các điều kiện tiếp cận?