Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội: Triển khai thế nào cho hiệu quả?

(BKTO) - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NƠXH) sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy phân khúc NƠXH phát triển. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng mục đích để đảm bảo phát huy mục tiêu nhân văn của gói tín dụng này.

15.jpg
Nhu cầu của người dân về NƠXH, nhà ở giá thấp là rất lớn. Ảnh minh họa

Thêm nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại (trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Bình luận về tác động của gói tín dụng trên, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu - cho rằng, đây là thông tin rất tích cực đối với phân khúc NƠXH nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Theo ông Hiếu, từ năm 2022 đến nay, hầu hết các phân khúc trên thị trường bất động sản đều rất trầm lắng, trong đó có một phần nguyên nhân là do “điểm nghẽn” về nguồn vốn tín dụng. Bởi vậy, với việc có một gói tín dụng ưu đãi với quy mô khá lớn sẽ tạo thêm xung lực thúc đẩy sự phát triển của phân khúc NƠXH. Đặc biệt, NƠXH đang được kỳ vọng sẽ là phân khúc tiềm năng, là “lực đẩy” chính của thị trường bất động sản trong năm 2023, do đó, sự phát triển của phân khúc này cũng sẽ có tác động lan tỏa lớn, làm “ấm” thị trường bất động sản vốn đang rất ảm đạm như hiện nay.

Chia sẻ thêm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, nếu được triển khai nhanh chóng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể góp phần giúp giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản trên thị trường. Theo ông Lực, trong những năm gần đây, nhu cầu của người dân về NƠXH, nhà ở giá thấp là rất lớn, tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm phân khúc này lại rất khan hiếm, thị trường chủ yếu là các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp. Do đó, với việc có một gói tín dụng ưu đãi dành cho phân khúc NƠXH sẽ thu hút các doanh nghiệp quan tâm hơn đến phân khúc này, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động đầu tư, cơ cấu sản phẩm, hướng đến nhóm sản phẩm NƠXH, nhà ở giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của phần đông người dân cũng như nhu cầu thực của thị trường, thay vì chỉ tập trung phát triển các dự án nhà ở cao cấp. Về phía người mua nhà, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất chung của thị trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc có cơ hội để sở hữu nhà ở, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính từ việc vay vốn.

Cần giải ngân đúng mục đích, đúng đối tượng

Theo thông tin từ NHNN, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, NHNN đã họp bàn với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó, các ngân hàng đã thống nhất mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng trên. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô của gói tín dụng này có thể tăng lên. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp. Như vậy có thể thấy, về nguồn vốn cơ bản đã sẵn sàng, vấn đề còn lại được dư luận đặc biệt quan tâm là khâu triển khai thực hiện chương trình tín dụng trên sao cho thật sự hiệu quả, đúng mục đích.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong thời gian qua cũng có một số gói hỗ trợ phát triển NƠXH. Cụ thể, tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đối với các chính sách thúc đẩy phát triển NƠXH có 2 gói hỗ trợ gồm gói 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ một số nhóm đối tượng, trong đó có hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển NƠXH; gói 15.000 tỷ đồng giao Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách về NƠXH vay.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, việc giải ngân các gói hỗ trợ này còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. “Nhìn vào kết quả thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất được triển khai trong thời gian qua cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở quy mô của gói hỗ trợ mà quan trọng hơn cả là cách thức triển khai, tiến độ, kết quả giải ngân, có như vậy thì người dân, doanh nghiệp mới thực sự được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ” - ông Lực nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, NHNN cần sớm có hướng dẫn các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình tín dụng trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện cơ chế cho vay, nhất là làm rõ các đối tượng thụ hưởng và điều kiện thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi, điều kiện giải ngân...

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đây là gói tín dụng mà người dân, doanh nghiệp rất mong mỏi, do đó cần giải ngân đúng đối tượng, bởi lẽ, nhìn lại thực tế quá trình triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho phát triển NƠXH trước đây cho thấy đã có hiện tượng trục lợi chính sách. Theo đó, về phía người mua nhà có tình trạng nhiều người vượt tiêu chí, điều kiện mua NƠXH nhưng vẫn được duyệt hồ sơ vay vốn và hiện tượng mua đi bán lại NƠXH vẫn diễn ra, dẫn tới người có nhu cầu thực lại không tiếp cận được nhà ở. Hay về phía chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn ưu đãi để phát triển dự án NƠXH nhưng lại sử dụng sai mục đích, dẫn đến làm mất cơ hội vay vốn của những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư, xây dựng NƠXH. Do đó, câu chuyện trục lợi chính sách nếu tiếp diễn sẽ làm giảm hiệu quả cũng như mục tiêu nhân văn của chương trình tín dụng trên.

Đồng thời, rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây, các thủ tục, điều kiện vay vốn cần được thiết kế thuận lợi để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. “Các yêu cầu về quy trình, thủ tục cần thông thoáng để đảm bảo đây là gói hỗ trợ thực, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân cảm thấy như bị bắt “trèo cột mỡ” khi tiếp cận gói tín dụng ưu đãi” - ông Hiếu nhấn mạnh./.

Theo Bộ Xây dựng, NƠXH đang thiếu trầm trọng. Trong năm 2022, cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Cùng chuyên mục
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội: Triển khai thế nào cho hiệu quả?