Còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thu hút đầu tư
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút vốn FDI, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết: 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của Hà Nội đạt 1,82 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ).
Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản (63%), dịch vụ buôn bán hàng hóa (9%), xây dựng và khoa học công nghệ (5%). Nhiều dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện năng, chế biến, chế tạo… được cấp mới hoặc tăng vốn với số vốn góp từ trên 1 triệu USD trở lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi của kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, trong quá trình thu hút vốn FDI, Thành phố còn gặp nhiều bất cập như thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế, giá thuê đất cao gấp 1,5-2 lần so với các địa phương lân cận. Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp thu hút doanh nghiệp của hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ thu hút vốn mở rộng dự án đầu tư, nguyên nhân là do các khu công nghiệp Hà Nội đã hết đất sạch.
Mặc dù các sở, ngành đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc thông tin cơ bản về dự án để kêu gọi đầu tư, vì vậy chưa thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến chưa phát huy hết khả năng, hiệu quả, nên các hoạt động xúc tiến thực hiện theo hình thức trực tuyến chưa có sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Tăng cường công tác phối hợp để thu hút đầu tư nước ngoài
Tại buổi làm việc, Thành phố Hà Nội kiến nghị, thời gian tới, Bộ KH&ĐT ban hành hướng dẫn cụ thể đối với danh mục ngành nghề, mục tiêu đầu tư không quy định tại Biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đảm bảo cấp phép đầu tư phù hợp với quy định pháp luật.
Đối với các dự án có sử dụng đất, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương.
Đặc biệt, đối với các dự án có sử dụng đất đã được cấp phép trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính (năm 2008), Bộ KH&ĐT hướng dẫn rõ các điều kiện chuyển tiếp việc lựa chọn, công nhận chủ đầu tư dự án.
Về phía Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ thành lập thêm các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, rà soát nhằm đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung đã cam kết, được quy định trong giấy phép đầu tư.
Bộ KH&ĐT tăng cường trao đổi thông tin, tiếp tục hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thủ đô - Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị.
Ghi nhận các kiến nghị của Hà Nội, tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã nhấn mạnh về cơ chế tăng cường công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và thông tin dữ liệu, báo cáo thống kê trong thời gian tới./.