Tạo đột phá mới để TP. Hồ Chí Minh phát triển
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 08/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc ban hành một nghị quyết cho TP. Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay, để Thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới đây, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh cũng như cho cả nước.
Theo Tờ trình của Chính phủ, ngoài các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, Dự thảo Nghị quyết quy định thêm 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho TP. HCM.
Nhất trí với Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, khi có Nghị quyết mới, TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động tối đa, biến tiềm năng thành khả năng, tạo đột phá mới để phát triển.
“TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để Thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, đủ chín” - đại biểu phát biểu.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) đánh giá cao việc Dự thảo Nghị quyết cho phép Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).
Theo đại biểu, nếu được triển khai mô hình TOD dọc theo các tuyến đường sắt đô thị và TOD xung quanh các nhà ga là sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc đô thị, đặc điểm đi lại theo hướng thân thiện môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn lực tài chính thông qua việc khai thác quỹ đất.
“Phát triển đường sắt đô thị theo hướng TOD là cơ chế, chính sách đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển Thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, từng bước giải quyết các vấn đề, các thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Ngoài ra, nếu việc triển khai TOD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xung quanh các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị thành công sẽ là tiền đề để triển khai các TOD ở các thành phố trong cả nước” - đại biểu nhìn nhận.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đề xuất, bổ sung 3 cơ chế để TP. Hồ Chí Minh bứt phá hơn nữa.
Cụ thể là, giao cho HĐND Thành phố quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, cho phép HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn Thành phố để đón những doanh nghiệp lớn; ban hành quy định về tuyển dụng, trả lương công chức Thành phố gắn với tăng thu ngân sách.
“Con người là gốc của mọi vấn đề. Nếu có cơ chế, chính sách tuyển dụng, trả lương đúng thì mới có con người “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ cho TP. Hồ Chí Minh phát triển” - đại biểu nói.
Thí điểm trong 5 năm là quá ngắn
Theo đề xuất của Chính phủ, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho rằng đối với các dự án, chương trình thông thường, không quá phức tạp thì thời gian triển khai ngắn, nhưng đối với các dự án, chương trình phức tạp thì cần thời gian triển khai dài hơn.
Theo đại biểu, TP. Hồ Chí Minh với quy mô, tầm cỡ và các dự án thuộc dạng chiến lược, đặc biệt, trọng điểm không chỉ của Thành phố mà của cả nước thì thời gian 5 năm là quá ngắn.
Trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch của các tỉnh, thành phố và của quốc gia cũng chưa hoàn thiện, đại biểu đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh đến kỳ quy hoạch 2030.
“Nếu hiệu lực có 5 năm thì thời gian còn lại không nhiều. Để trùng với kỳ quy hoạch 2030 cũng giúp chúng ta tổng kết các chính sách thí điểm đang được triển khai” - đại biểu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị cần tính toán thời gian thực hiện Nghị quyết là nên kéo dài hay chỉ hạn chế trong thời gian 5 năm.
Theo đại biểu, thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đây quy định là 5 năm, nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết số 54/2017/QH14 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác.
“Câu hỏi đặt ra là, thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - đại biểu đề nghị.