Hà Nội tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2023, các mục tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội được triển khai nhịp nhàng, kết quả đạt được khá toàn diện.

2.jpg
Hà Nội tăng cường đào tạo lao động, hỗ trợ học nghề. Ảnh: TTXVN

Kinh tế duy trì tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế - xã hội có một số điểm nổi bật. Cụ thể là, cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; thu NSNN trên địa bàn 5 tháng đầu năm tăng cao, đạt 207.022 tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ và đạt 58,7% dự toán, trong đó, thu nội địa tăng 28,2% và đạt 60,7% dự toán.

Chi đầu tư phát triển đạt 24,8%, cao hơn cùng kỳ (15,5%) và cao hơn cả nước (22,22%). Ước 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 62,4% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương đạt 37,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 31% dự toán.

Tăng trưởng của thành phố được duy trì 5,97%, là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột vũ trang Nga - Ucraina và từ tác động chính sách thắt tiền tệ của các quốc gia.

Thu hút đầu tư xã hội tăng khá, đạt 9,0% cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,8%). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu cả nước và vượt kết quả của cả năm 2022 (thu hút 1.842 triệu USD vốn FDI). Kết quả đạt được ghi nhận sự nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cải thiện thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Du lịch phục hồi mạnh, dự kiến 6 tháng đầu năm tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch quốc tế tăng 7 lần so với cùng kỳ; khách du lịch trong nước tăng 22,6%.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Trong 5 tháng đầu năm 2023, thành phố đã phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ…

Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là về tiến độ giải phóng mặt bằng đường Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm tích cực triển khai.

3 khâu đột phá được tập trung chỉ đạo

Khâu đột phá thứ nhất về phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Dự kiến, Thành phố hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...

Khâu đột phá thứ hai về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn.

Khâu đột phá thứ 3 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh; đào tạo lao động, hỗ trợ học nghề được tăng cường (dự kiến tuyển sinh, đào tạo 105.340 lượt người; hỗ trợ học nghề cho 487 người). Đào tạo lao động - một chỉ số thành phần của PCI của Hà Nội luôn duy trì trong top 5 của cả nước (năm 2022 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố).

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ còn chậm tiến độ

Bên cạnh những thành tựu đạt được, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ rõ, kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm; sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải hàng hoá duy trì tăng khá nhưng thấp hơn cùng kỳ, ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 và các chỉ tiêu liên quan.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn còn chậm, chủ yếu do việc giao đất và thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian và chậm, nhất là thủ tục chuyển đổi đất lúa mất rất nhiều thời gian. Chuyển đổi số vẫn chậm so với yêu cầu…

Khắc phục những hạn chế trên, 6 tháng cuối năm 2023, UBND Thành phố tập trung đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh kịp thời thích ứng với tình hình.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục xu hướng tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Để đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND Thành phố định kỳ tổ chức giao ban để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Thực hiện công khai, minh bạch, đúng luật, đảm bảo công bằng, chính xác, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố cũng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm điểm, có cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…/.

Cùng chuyên mục
Hà Nội tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng