Đó là chia sẻ của GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng và thịnh vượng - Tiếng nói từ những nhà tạo lập thị trường bất động sản 2018-2019” diễn ra chiều 18/4, tại Hà Nội.
Trong vai trò chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực bất động sản (BĐS), GS.Đặng Hùng Võ phân tích: “Câu chuyện vốn ở Việt Nam vẫn là câu chuyện nan giải. Bởi các DN không bao giờ đủ vốn tự có để kinh doanh BĐS. Đôi khi chính sách không tạo điều kiện thuận lợi về vốn tín dụng, gây bất lợi cho DN BĐS”. Cụ thể, chính sách tín dụng mới đây đã nâng mức an toàn cho vay BĐS, khả năng chuyển từ vốn huy động ngắn hạn sang cho vay dài hạn cũng bị hạn chế. Vì thế, rất nhiều nhà đầu tư BĐS cho rằng chính sách vốn ở Việt Nam vẫn chưa thông thoáng và cần phải có sự trợ giúp của Chính phủ để chính sách tín dụng mở hơn cho DN BĐS.
Tín hiệu thứ hai cũng cần sự trợ giúp của Chính phủ càng sớm càng tốt, đó là công khai thông tin BĐS theo đúng Nghị định Chính phủ đã ban hành - GS.Võ nêu rõ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức nào thực hiện được điều đó. Bởi vậy, mọi phân tích, dự báo về thị trường như “sốt đất, sốt nhà, ngăn ngừa bong bóng BĐS…” đều mang tính định tính mà không có cơ sở thông tin vững chắc nào.
Theo GS.Đặng Hùng Võ, nếu chúng ta có một hệ thống dữ liệu mở thì có thể phân tích, định lượng được. Khi không có dữ liệu thì không thể bàn đến chuyện thị trường phát triển như thế nào, dự báo thế nào? Kể cả sự hợp tác giữa các nhà đầu tư BĐS với nhau như thế nào, và câu chuyện về vốn có nên đẩy tiếp vào thị trường BĐS hay nên dừng lại, bởi đẩy tiếp có thể phát triển “nóng”.
GS.Võ dẫn chứng, gần đây, Quốc hội đã bàn đến việc phát triển 3 đặc khu kinh tế và đã có hiện tượng “sốt đất” tại các khu vực này. Vậy chính sách nào có thể giúp chúng ta giải quyết tình trạng “sốt đất” tại các khu vực đó? Việc thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về công khai thông tin là một công cụ rất quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Trước đó, khi đưa ra những đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, GS.Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Chúng ta vững tâm hơn rất nhiều khi nhìn vào thị trường BĐS năm 2018, so với 4 năm trước đây”.
Nếu như năm 2014 là thời điểm thị trường BĐS vừa thoát khỏi giai đoạn trầm lắng của 2012, 2013 thì năm 2018 chúng ta vững tâm vì thị trường đã phục hồi thực sự, phát triển thực sự và tạo ra lợi ích thực sự - GS.Võ nói.
Theo đó, sự khác nhau của giai đoạn trước năm 2014 và từ năm 2014 đến nay là tính chuyên nghiệp của thị trường đã thay đổi và tính chuyên nghiệp đó được tạo ra bởi chính các nhà đầu tư BĐS. Từ năm 2014 trở về trước, thị trường BĐS chỉ “loanh quanh” ở thị trường nhà ở. Nhưng kể từ năm 2014 đến nay, các nhà đầu tư đã có sáng kiến tập trung phát triển thị trường BĐS nghỉ dưỡng, tạo ra được một phân khúc phát triển rất mạnh. Nhiều công trình lớn, các cơ sở lưu trú hiện đại đã được xây dựng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp, ghi dấu ấn quan trọng lên bản đồ du lịch thế giới.
Theo GS. Võ, vẫn còn có những vấn đề phải bàn để đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh hơn nữa, cũng như phải có cách ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra với thị trường, như tăng trưởng nóng, đầu cơ vượt giới hạn…; tuy nhiên, những điều này cũng đã nằm trong tính toán của các nhà đầu tư và cộng đồng DN đầu tư vào thị trường BĐS.
HỒNG THOAN