Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề
Theo thống kê sơ bộ đến ngày 9/9, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh vô cùng lớn: Trên 20.000 ngôi nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300ha lúa, hoa màu, trên 17.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng.
Hơn 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng kéo theo mất nước; mạng lưới viễn thông gần như bị tê liệt; hạ tầng các khu công nghiệp tại Thị xã Quảng Yên bị hư hại trên diện rộng; các cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng bị thiệt hại lớn về cơ sở vật chất...
Hiện nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng tất cả lực lượng, phương tiện và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão và ứng phó với hoàn lưu sau bão. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh liên tục xuống địa bàn trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão và ứng phó với mưa lũ. Các lực lượng toàn tỉnh huy động thiết bị, phương tiện, máy móc tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng...
Trận bão lớn chưa từng có quét qua địa bàn Quảng Ninh làm cho hệ thống điện và thông tin liên lạc toàn tỉnh bị tê liệt, khiến công tác thông tin, báo cáo, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng với sự nỗ lực của Điện lực Quảng Ninh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã điều động nhân lực, vật lực từ tất cả các đơn vị trực thuộc tham gia hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả ngay khi cơn bão số 3 đi qua.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, tính đến 8h ngày 10/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đóng điện 22/59 đường dây 110kV (có 5 đường dây dự phòng); 82/180 đường dây trung áp được khôi phục giúp hơn 134.000 khách hàng được cấp điện trở lại. Hiện công tác khắc phục sự cố điện vẫn đang được khẩn trương, liên tục thực hiện để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân toàn tỉnh.
Bão số 3 cũng gây hư hỏng nặng tại nhiều trạm, nhà máy cấp nước, hệ thống đường ống dẫn nước, nhất là ở các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái... dẫn đến việc mất nước. Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã bố trí, huy động tối đa sức người, phương tiện, máy móc khắc phục sự cố và đến nay nhiều khu vực đã được cấp nước trở lại.
Nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, ngành Y tế Quảng Ninh đang căng mình ứng trực, thực hiện tốt nhất công tác khám, chữa, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; cơ sở vật chất, thuốc men được tăng cường, không để xảy ra tình trạng gián đoạn. Các y, bác sĩ sẵn sàng túc trực 24/24h, thu dung bệnh nhân cấp cứu, khám bệnh; tăng cường đội ngũ có chuyên môn vững, trình độ cao ứng trực, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến; tất cả người bệnh bị tổn thương trong và sau bão đều được tiếp cận với hệ thống y tế. Đồng thời, theo dõi diễn biến phức tạp của mưa bão để nắm bắt tình hình và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cần thiết triển khai cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung khắc phục thiệt hại sau bão. Một số trường đã đảm bảo điều kiện đón học sinh trở lại học tập, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường, lớp bị ảnh hưởng nặng nề, cần thêm thời gian khắc phục nên chưa thể tổ chức dạy và học
Cấp 180 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3
Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, cảnh báo có dông lốc, lũ quét. Trước tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, mục tiêu cao nhất là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có phương án xử lý kịp thời khi mưa lớn, trong trường hợp cần thiết phải tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn; chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các hộ nằm trong diện sơ tán...
UBND các cấp căn cứ thẩm quyền áp dụng ngay các cơ chế, chính sách đã có theo quy định của pháp luật để tổ chức hỗ trợ; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm dự trữ để hỗ trợ các khu vực có thể bị chia cắt do mưa lũ; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở giáo dục, y tế khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động; tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người dân còn mất tích trên biển...
Ngày 10/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh với số tiền là 180 tỷ đồng. Đây là kinh phí bổ sung để các địa phương sử dụng cùng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ tịch UBND các địa phương theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ, ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở để thông báo đến Nhân dân biết, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình, địa hình, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao để có biện pháp xử lý, di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để tổng hợp báo cáo trước mắt thống kê ngay số người bị mất nhà ở; số người phải tạm cư nhiều ngày tới; số người diện cứu trợ khẩn cấp (lương thực, nước uống, thuốc men, quần áo...) chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân được đảm bảo có môi trường sống an toàn, hợp vệ sinh trước mắt và lâu dài.