Hải quan Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN

(BKTO) - Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam với các nước ASEAN từ thời điểm thực hiện Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) vào năm 2003 đến nay đã tăng trưởng đáng kể.

xnk.jpg
Từ khi thực hiện Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (năm 2003) đến nay, kim ngạch XNK của Việt Nam với các nước ASEAN đã tăng trưởng đáng kể. Ảnh minh họa

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc về phân loại hàng hóa

Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN là chuẩn mực chung của 10 nước ASEAN về mã số hàng hoá và biểu thuế để áp dụng các chính sách thuế quan, quy tắc xuất xứ, quản lý rủi ro, thống kê số liệu thương mại đồng thời là cơ sở để áp dụng các chính sách quản lý chuyên ngành (như kiểm soát các hàng hóa lưỡng dụng, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, vũ khí hóa học…).

Danh mục AHTN cũng được các nước ASEAN sử dụng để đàm phán và thực thi các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định song phương và đa phương.

Một trong những nội dung hợp tác quan trọng của hải quan các nước trong khu vực ASEAN, có tác động lớn đến hoạt động XNK là việc đàm phán và xây dựng Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu hài hoà chung trong ASEAN chi tiết ở cấp độ 8 số.

Việc này nhằm thống nhất danh mục và biểu thuế giữa 10 nước ASEAN, đồng bộ hóa các chú giải, mã số, mô tả hàng hóa nhằm thúc đẩy tự do luân chuyển hàng hóa trong khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN và góp phần vào quá trình phát triển khu vực thương mại tự do ASEAN.

Là thành viên tích cực và trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn chủ động phối hợp với Ban Thư ký và các nước ASEAN đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung Danh mục AHTN nhằm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đồng thời đạt được sự đồng thuận trong nội khối.

Bà Đào Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan - cho biết, giai đoạn 2019 - 2022, Việt Nam đã tham gia hơn 10 phiên đàm phán Danh mục AHTN, tổng hợp đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành và cử các chuyên gia đầu ngành về phân loại hàng hoá, xây dựng biểu thuế tham gia đàm phán.

Trong quá trình thực thi, Việt Nam luôn tích cực rà soát, đánh giá những nội dung còn chưa thống nhất tại danh mục để thảo luận với các nước ASEAN nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong công tác phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế, góp phần tăng cường kiểm soát rủi ro, tạo thuận lợi thương mại và tăng kim ngạch nội khối ASEAN.

Danh mục AHTN đã được sửa đổi, bổ sung với 5 phiên bản qua các thời kỳ. Hiện nay, ASEAN đang áp dụng Phiên bản Danh mục AHTN 2022 mới nhất bao gồm 11.414 dòng thuế.

Trong quá trình đàm phán xây dựng Danh mục AHTN 2022, Hải quan Việt Nam đã chủ động đề xuất sửa đổi Danh mục AHTN 2022 để giải quyết các vướng mắc về phân loại hàng hóa trong khu vực như làm rõ các nội dung dòng hàng về dạng lỏng và gel dùng cho thuốc lá điện tử, Supephosphat loại dùng làm thức ăn chăn nuôi, thanh đệm nhôm (aluminium spacer)…

Song song với đó, trên cơ sở Danh mục AHTN, ASEAN đã và đang đàm phán các Hiệp định đa phương như ASEAN-EU, ASEAN-Canada… Điều này mang lại các lợi ích lớn cho các doanh nghiệp XNK khi hàng hóa Việt Nam thuận lợi di chuyển trong khối ASEAN và với các nước ký kết các hiệp định thương mại.

Dự kiến, Danh mục AHTN tiếp theo sẽ ban hành vào năm 2028 để cập nhật những thay đổi về khoa học, công nghệ và nhu cầu quản lý của các nước thành viên ASEAN.

xk-thuy-san.jpg
Thủy sản thuộc nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn sang Singapore. Ảnh: ST

Đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình hài hoà mã số hàng hoá

Bà Đào Thu Hương cho biết, Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK) đang chủ trì tham gia Tiểu nhóm kỹ thuật về phân loại hàng hóa (TSWGC) trong ASEAN. Tiểu nhóm TSWGC có nhiệm vụ rà soát và xây dựng Danh mục AHTN căn cứ trên Danh mục HS và giải quyết các vướng mắc về phân loại hàng hóa ở cấp độ 8 số trong khu vực ASEAN.

Theo đó, Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, triển khai các danh mục quản lý chuyên ngành trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn Danh mục AHTN.

Đồng thời, xây dựng chương trình, phương án đàm phán AHTN cho phiên bản HS 2028 mang tính toàn diện trên cơ sở tổng hợp nhu cầu quản lý của các Bộ, ngành có liên quan, nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình hài hoà mã số hàng hoá để hội nhập sâu rộng vào thương mại khu vực và quốc tế.

Song song với kế hoạch đàm phán, Hải quan Việt Nam đang nỗ lực tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thông minh để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng hoá.

Hải quan Việt Nam hướng tới việc hoàn thiện các chức năng phân tích, kiểm soát việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế trên cơ sở Danh mục AHTN, cho phép hệ thống tự động cảnh báo cho công chức hải quan các trường hợp khai sai mã số, thuế suất; hỗ trợ cảnh báo các mặt hàng đã có thông báo kết quả phân tích phân loại, thông báo xác định trước mã số, có công văn hướng dẫn phân loại; thiết kế hệ thống để có thể tra cứu tờ khai theo luồng chảy của thủ tục như từ trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan.

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp về công tác phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế, tuân thủ danh mục AHTN để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam kết của nước thành viên ASEAN./.

Từ năm 2003 - khi thực hiện Danh mục AHTN đến nay, kim ngạch XNK của Việt Nam với các nước ASEAN đã tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng từ mức 2,95 tỷ USD năm 2003 lên mức 32,57 tỷ USD năm 2023 (gấp 11 lần) và kim ngạch nhập khẩu từ mức 5,95 tỷ USD năm 2003 lên mức 40,9 tỷ USD năm 2023 (gấp 6 lần). Điều này thể hiện mức độ tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN.

Ngoài ra, tỷ trọng về kim ngạch XNK của Việt Nam với các nước ASEAN so với tổng kim ngạch XNK giữa 10 nước thành viên trong khối ASEAN tăng đáng kể, từ mức chiếm 4,1% năm 2003 lên mức chiếm 9,41 % năm 2022 (tăng gấp đôi). Điều đó thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam về thương mại trong khối ASEAN.

Đặc biệt, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với thế giới so với tổng kim ngạch XNK của ASEAN với thế giới tăng từ chiếm 5,21% năm 2003 lên mức chiếm 18,97% năm 2022 (tăng gấp 3), thể hiện tốc độ tăng trưởng về thương mại của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN.

Cùng chuyên mục
Hải quan Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN