Hàng loạt yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

(BKTO) - Hai yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong 3 tháng vừa qua là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”. Các yếu tố này đều được trên 50% số DN tham gia khảo sát lựa chọn.

12.jpg
Các DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 sẽ khả quan hơn quý II. Ảnh minh họa

Khó khăn gia tăng bởi lãi suất vay vốn cao

Kết quả trên vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá phản hồi hơn 6.100 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng với đó, các yếu tố: Nhu cầu thị trường quốc tế thấp, khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn cao, tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao, không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị công nghệ lạc hậu… là hàng loạt những khó khăn tiếp theo được các DN chỉ ra. Trong đó, “lãi suất vay vốn cao” là khó khăn tăng nhiều nhất so với quý I, tăng tới 3,9 điểm phần trăm, với tỷ lệ 22,3% DN lựa chọn - bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Nhằm giúp DN cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, 18,6% DN kiến nghị Nhà nước hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động; 24,5% DN kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistics; 23,4% DN kiến nghị giảm tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh và 22,4% DN kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất.

Điều tra sâu về 2 nhóm ngành dệt may, da giày, kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất của các DN trong quý II/2024 là đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề. Cụ thể, có tới 57,7% DN sản xuất trang phục; 55,8% DN sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 47,1% DN dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó, có 54,7% DN sản xuất trang phục, 36,5% DN sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,1% DN dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.

Mặc dù vậy, hơn 6.000 DN vẫn chia sẻ rằng hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 của DN thuận lợi hơn so với 3 tháng đầu năm với 79% DN đánh giá tốt hơn và giữ ổn định; trong khi chỉ 21% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có sự phục hồi rõ nét nhất với tỷ lệ DN nhận định các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động” tăng so với quý I/2024 lần lượt là 45,6%, 40,1%, 40,7% và 31,7%. Quý II vừa qua cũng là quý có chỉ số cân bằng chung đạt 16,4% - cao thứ ba kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, trong đó khu vực DN nhà nước có chỉ số cân bằng cao nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, các DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 sẽ khả quan hơn quý II với 82,9% DN đánh giá tốt hơn và giữ ổn định; giảm chỉ còn 17,1% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Một vài chỉ số cụ thể đáng lưu ý như 83,8% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý III tăng và giữ nguyên so với quý II; 16,2% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Tỷ lệ cũng khá tương đồng so với đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi 83,7% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III khả quan hơn, tăng và giữ nguyên so với quý II; 16,3% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Chỉ số cân bằng chung quý III tiếp tục tăng cao, được dự báo đạt 23,6%.

Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện tình hình

Tuy nhiên, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khả quan hơn trong quý tiếp theo và thời gian tới, các DN kiến nghị cần giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho DN. Theo đó, 50,1% DN kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để DN có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Tương tự, đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, 44,9% DN kiến nghị cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 30,5% DN kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương phải ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đối với thị trường đầu ra, để góp phần tăng khối lượng đơn hàng, 28,9% DN kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước hiệu quả, tăng cường tuyên truyền để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, 26,1% DN kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ DN tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước.

Liên quan đến thủ tục hành chính, có 31,5% DN kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của DN được rút ngắn đến mức tối đa. Đồng thời, về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN ổn định và phát triển sản xuất, có 28,2% DN kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn để DN nhanh chóng có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, để giúp DN thích ứng tốt hơn với điều kiện và yêu cầu đầu ra ngày càng cao, các DN kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ DN tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng; hỗ trợ DN đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, phòng vệ thương mại, các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất (như sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn…) và hỗ trợ DN chuyển đổi số, nhận chuyển giao công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, ngoài những kiến nghị trên, để tăng niềm tin cho DN chân chính và người tiêu dùng trong nước, các DN đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm trên thị trường nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm chất lượng hơn và về phía các DN chân chính cũng có cơ hội tăng tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn.

Bên cạnh đó, để giúp DN đảm bảo chất lượng hàng hóa thành phẩm thì chất lượng nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các DN phải ổn định, đặc biệt với các DN chế biến sử dụng nguyên liệu nông sản. Do vậy, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn của vùng nguyên liệu, nhất là với các vùng cung cấp nguyên vật liệu nông sản./.

Cùng chuyên mục
Hàng loạt yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp