Ngày 24/7, tại Hà Nội, NHNN tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Điều hành tiền tệ trong bối cảnh nhiều thách thức
Tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2024, đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, khó khăn cũ chưa qua, khó khăn mới đã tới, chính sách tiền tệ đối mặt với yêu cầu làm sao điều hành hài hòa, cân bằng các mục tiêu về lãi suất, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tỷ giá được điều hành linh hoạt, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Cùng với việc triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông, tâm lý thị trường đã bình ổn trở lại, thanh khoản ngoại tệ ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tỷ giá giao dịch trên thị trường về cơ bản ổn định và có xu hướng giảm trong một số giai đoạn.
Về điều hành tín dụng, tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Từ cuối tháng 3 đến nay, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng phục hồi và cải thiện. Kết thúc quý II/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến hết quý II/2024 đạt 5 - 6%” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đến nay, hầu hết các TCTD đã hoàn thành xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện.
Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường và chú trọng đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực hiện có và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình hoạt động của các TCTD được giám sát chặt chẽ và nhận diện, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn kịp thời để cảnh báo, chấn chỉnh.
Công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết, các văn bản hướng dẫn Luật các Tổ chức tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 1 Quyết định và ban hành 42 Thông tư.
Chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.
Kiên định các mục tiêu theo định hướng đặt ra
“Những điểm sáng, tín hiệu tích cực của kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm là tiền đề, tạo đà bứt phá cho thời gian tới. Tuy nhiên, NHNN không thể lơ là, chủ quan trước những rủi ro, bất trắc, những áp lực, thách thức từ bên ngoài” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Do đó, bám sát mục tiêu, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, theo Thống đốc, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách thực chất, công khai, minh bạch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD chú trọng nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống./.