Việc huấn luyện ATVSLĐ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các cơ quan, DN. Ảnh: Internet |
Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật ATVSLĐ năm 2015 của Cục ATVSLĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ năm 2015-2021, triển khai Luật ATVSLĐ, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình ban hành, ban hành 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung ATVSLĐ.
Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa Luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Hằng năm, nhiều cuộc tập huấn về Luật ATVSLĐ 2015 và các văn bản hướng dẫn đã được tổ chức. Các phiên họp, đối thoại thường niên của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng DN và người lao động (NLĐ). Qua đó, các kiến nghị sửa đổi chính sách đã được tiếp thu và cải thiện.
Các phiên đối thoại của hội đồng cấp tỉnh được triển khai trên toàn quốc, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng DN và NLĐ.
Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ (tháng cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác ATVSLĐ trong năm) cũng được phát động và tổ chức định kỳ với nhiều hoạt động hướng về cơ sở góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Giai đoạn 2011-2015, mỗi năm có khoảng 500 nghìn đến 1,1 triệu người được tuyên truyền, phổ biến thông tin và huấn luyện về ATVSLĐ. Giai đoạn 2016-2021, con số này mỗi năm ở vào khoảng 1,2 đến 2,1 triệu người.
Ngoài ra, các DN, tổ chức cũng tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 2-5 triệu lượt người/năm. Đến nay, có khoảng 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ, góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về ATVSLĐ.
Theo Cục trưởng Cục ATVSLĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng, Luật ATVSLĐ đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực ATVSLĐ; trách nhiệm của tổ chức công đoàn, hội nông dân cũng như sự phối hợp của các bên trong công tác ATVSLĐ.
Công tác triển khai, giám sát thi hành Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ, kịp thời, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, hình thành nên văn hóa, tác phong làm việc an toàn, phát triển việc làm bền vững.
Tuy nhiên, một vài nội dung trong Luật vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết; các quy chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, cập nhật. Còn quá nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng Luật.
Bên cạnh đó, phạm vi thông tin tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt với nhóm đối tượng lao động không có hợp đồng lao động và các DN nhỏ, siêu nhỏ.
Việc chấp hành quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong báo cáo HĐND cùng cấp về công tác ATVSLĐ còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát có lúc có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn...
Kết quả tổng kết trên là cơ sở để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra các kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với hội nhập quốc tế./.
Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. |
THÀNH ĐỨC